Tìm kiếm tin tức
Truyền thông để người dân hiểu về lợi ích của Cổng Dịch vụ công Quốc gia
Ngày cập nhật 10/09/2020

(Chinhphu.vn) - Thông tin, tuyên truyền về các dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia cần mang lại niềm tin cho người dân về an toàn, bảo mật của hệ thống; dịch vụ công là một trong những biện pháp để phòng, chống tham nhũng vặt, giúp người dùng giảm thời gian, giảm chi phí và góp phần phòng, chống dịch COVID-19.

Ảnh: VGP

Chiều 9/9, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng chủ trì buổi làm việc với các bộ, cơ quan liên quan về việc triển khai thực hiện công tác truyền thông thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia (DVCQG).

Buổi làm việc có đại diện của Bộ Công an; Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tư pháp; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Lao động-Thương binh và xã hội; BHXH Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Đài Truyền hình Việt Nam (VTV); Cổng Thông tin điện tử Chính phủ; Tập đoàn VNPT...

Đẩy mạnh truyền thông với cách làm hiệu quả hơn

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhấn mạnh hôm nay (9/9) là tròn 9 tháng khai trương Cổng DVCQG. Tính đến 12h ngày 08/9/2020, đã có hơn 250.000 tài khoản đăng ký; hơn 61 triệu lượt truy cập tìm hiểu thông tin và dịch vụ; hơn 525.000 lượt truy cập thực hiện các dịch vụ tiện ích và hơn 363.000 lượt truy cập thực hiện dịch vụ công trực tuyến; tiếp nhận, xử lý hơn 8.000 phản ánh, kiến nghị và giải đáp hơn 26.000 cuộc gọi tới tổng đài.

Trong thời gian qua, nhiều dịch vụ công đã được đưa lên Cổng DVCQG để cung cấp cho người dân, doanh nghiệp. Từ 8 nhóm dịch vụ công ban đầu đến nay đã có 1.089 dịch vụ công được cung cấp trên Cổng DVCQG. Các Bộ, cơ quan cũng tích hợp phối hợp để tích hợp thanh toán trực tuyến, dù mới triển khai từ tháng 3/2020, đến nay, đã có hơn 11.000 giao dịch thanh toán trực tuyến, trong đó tập trung chủ yếu trong tháng 7, 8/2020 khoảng 4 nghìn giao dịch với giá trị khoảng 5 tỷ đồng/tháng.

Cổng DVCQG đã đồng bộ trạng thái hơn 16,5 triệu hồ sơ phục vụ tra cứu, giám sát, đánh giá tình hình giải quyết thủ tục hành chính; tiếp nhận, xử lý hơn 341.000 hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng Dịch vụ công Quốc gia, tăng hơn 7,5 lần so với tháng 4/2020, hiện nay mỗi ngày tiếp nhận khoảng 5.000 hồ sơ.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, dù các đơn vị rất nỗ lực, các cơ quan báo chí, truyền thông đã tích cực tuyên truyền nhưng nhiều người dân chưa biết hết các dịch vụ công của Cổng DVCQG hoặc chưa nắm hết quy trình thực hiện. Vì vậy, cuộc họp với các đơn vị có mục tiêu để đẩy mạnh truyền thông với cách làm hiệu quả hơn, để người dân nắm rõ và thực hiện các dịch vụ công đang mang lại nhiều thuận tiện cho cả người dân, cả doanh nghiệp.

Cần đa dạng hóa cách tuyên truyền với nội dung dễ hiểu

Theo ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC (VPCP), thời gian vừa qua, VTV đã hỗ trợ, phối hợp rất tích cực để tuyên truyền tới người dân, doanh nghiệp về thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên Cổng DVCQG. Hiện nay, đây là kênh truyền thông chính, mang lại hiệu quả rất lớn giúp nâng cao nhận thức, thúc đẩy người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến trên Cổng.

Bên cạnh đó, Cổng DVCQG cũng đang phối hợp với Google để thực hiện truyền thông hình ảnh của Cổng thông qua công cụ tìm kiếm của Google và đang thiết lập kênh Youtube để up các video, clip hướng dẫn thực hiện các dịch vụ công, tiện ích trên Cổng.

Ngoài ra, Cổng Dịch vụ công Quốc gia cũng thực hiện việc truyền thông qua một số báo, đài, hội nghị, hội thảo...; đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, cơ quan tuyên truyền trên các kênh truyền thông riêng của các đơn vị này.

Cục Kiểm soát TTHC nêu đề nghị VTV, các bộ, ngành phối hợp với VPCP xây dựng kế hoạch, chương trình truyền thông về thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên Cổng DVCQG năm 2021 và các năm tiếp theo. Đề nghị các bộ, ngành, địa phương, cơ quan phối hợp với VTV và các cơ quan báo, đài thực hiện tuyên truyền về thực hiện dịch vụ công trực tuyến thuộc phạm vi quản lý của bộ, địa phương, cơ quan trên Cổng DVCQG.

Bên cạnh đó, lựa chọn các dịch vụ công có đối tượng thực hiện lớn (dịch vụ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; thu phạt vi phạm hành chính; thông báo hoạt động khuyến mại; giấy phép lái xe; đăng ký phương tiện giao thông; các thủ tục về hộ tịch, sở hữu trí tuệ...), xây dựng thành các phóng sự để phát vào những giờ vàng nhằm tuyên truyền tạo hiệu ứng lan tỏa cho người dân, doanh nghiệp.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VGP

Đại diện các bộ, cơ quan tham dự cuộc họp đều có ý kiến thống nhất việc cần tăng cường tuyên truyền về các dịch vụ công và cần đa dạng hình thức truyền thông qua các phương tiện truyền thông với phương thức khác nhau để tạo sự an tâm của người dân khi sử dụng dịch vụ công và tạo sự yên tâm khi thanh toán trực tuyến. Bên cạnh đó cần kết hợp với cách tuyên truyền trên mạng xã hội, Zalo...

Bà Kiều Trinh, đại diện VTV cho biết thời gian qua VTV đã thực hiện nhiều chương trình khác nhau để tuyên truyền cho Cổng DVCQG. Để đẩy mạnh tuyên truyền, đại diện VTV đề nghị cần có cách truyền thông lâu dài, chủ động qua tăng cường thông tin trên các bản tin, thực hiện các video clip giới thiệu về các dịch vụ công phát vào các khung giờ thu hút chú ý, đồng thời gợi ý các cách truyền thông khác nhau cho Cổng DVCQG. Đại diện VTV cũng đề nghị các Bộ, cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ với VTV và các cơ quan báo chí để thực hiện các chương trình tuyên truyền.

Nhất trí về cần đẩy mạnh tuyên truyền về Cổng DVCQG, ông Lê Việt Đông, Phó Tổng Giám đốc Cổng Thông tin điện tử Chính phủ nêu ý kiến cần đẩy mạnh tuyên truyền về các dịch vụ công trên các nền tảng, các phương tiện thông tin khác nhau. Mỗi dịch vụ công cần có kế hoạch tuyên truyền cụ thể, bao gồm các video clip ngắn giới thiệu về từng dịch vụ để lan tỏa, tạo niềm tin hơn nữa cho người dân khi sử dụng dịch vụ công.

BHXH Việt Nam cho biết, trong 9 tháng năm 2020, đơn vị đã thực hiện 56 triệu hồ sơ điện tử (trong đó có 35 triệu hồ sơ liên quan dịch vụ công trực tuyến). Trong đó, dịch vụ cấp lại thẻ bảo hiểm y tế, thanh toán trực tuyến, dịch vụ công hỗ trợ doanh nghiệp trong đại dịch COVID-19 là dịch vụ được sử dụng nhiều nhất. BHXH đã đẩy mạnh tuyên truyền các dịch vụ công trước, trong và sau mỗi dịch vụ công được đưa đến công chúng. Các kênh sử dụng truyền thông qua phương thức truyền thông đại chúng (với khoảng 100 cơ quan báo chí) và truyền thông nội bộ.

Đại diện Tập đoàn VNPT cho rằng: “Dù dịch vụ công có tốt nhưng truyền thông không tốt thì cũng không thể đến với người dân”. Vì vậy cần kế hoạch, mục tiêu cụ thể cho chương trình truyền thông, xây dựng thành đề án đề tuyên truyền cụ thể. VNPT cũng sẽ xem xét để người dùng tiếp cận dịch vụ công một cách tốt nhất, truyền thông qua các App để khách hàng sử dụng tiện lợi hơn.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, đối với công tác truyền thông cần phải tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp hiểu được lợi ích của Cổng DVCQG. Công tác tuyên truyền quan trọng nhất là tạo niềm tin, người dân có thể an tâm về sự an toàn, bảo mật của hệ thống.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP nhất trí với các đề nghị cần kế hoạch truyền thông rộng rãi trên tất cả phương tiện thông tin tuyên truyền, đồng thời khuyến khích các cơ quan truyền thông phối hợp với VPCP để tăng cường thông tin về Cổng DVCQG. Trong công tác tuyên truyền cấn nhấn mạnh các dịch vụ công là một trong các giải pháp để phòng chống dịch COVID-19, đặc biệt là một trong những biện pháp để phòng, chống tham nhũng vặt.

Bên cạnh việc tiếp tục đưa các dịch vụ công cung cấp cho người dân, doanh nghiệp trên Cổng DVCQG, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết VPCP sẽ xây dựng kế hoạch truyền thông theo hướng đặt đầu bài cho các cơ quan truyền thông, khuyến khích xã hội hóa, quảng bá trên nhiều phương tiện và phương thức khác nhau. Đồng thời đề nghị đề nghị VTV và các cơ quan báo chí tiếp tục phối hợp chặt chẽ với VPCP để tuyên truyền về Cổng DVCQG.

Gia Huy
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.704.086
Truy cập hiện tại 477