Nhận diện âm mưu chống phá của các thế lực thù địch trong điều kiện Cách mạng công nghiệp lần thứ tư
“Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là quá trình dịch chuyển, thay đổi về lập trường chính trị, tư tưởng trong từng cá nhân, đến một mức độ nhất định nào đó sẽ dẫn tới sự thay đổi bản chất của con người và tổ chức. Biểu hiện của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đối với người cán bộ, đảng viên là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; có sự hoài nghi, lung lay về lập trường, lý tưởng và cuối cùng là sự thay đổi, buông bỏ lập trường giai cấp công nhân, phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng; nói và làm ngược lại với đường lối, chủ trương, mục tiêu, lý tưởng của Đảng. Sự nguy hiểm của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là ở chỗ, nó diễn ra ngay trong chính những con người vốn đã từng là cán bộ, đảng viên, thậm chí có những người đã từng rất gương mẫu. Khi đó, Đảng không chỉ mất đi những cán bộ, đảng viên của mình, mà những biểu hiện thoái hóa đó còn gieo rắc sự hoang mang, hoài nghi cho những người khác và xã hội đối với Đảng, Nhà nước. Ở nước ta, “tác động chuyển hóa” đang trở thành một mũi tiến công mà các thế lực thù địch, phản động sử dụng để làm thoái hóa, biến chất một bộ phận cán bộ, đảng viên, làm suy yếu, mất niềm tin của nhân dân đối với Đảng bằng những âm mưu, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Đặc biệt, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang được chúng lợi dụng là công cụ hữu hiệu để thực hiện các âm mưu thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở Việt Nam, cụ thể như sau:
Thứ nhất, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư làm cho cuộc đấu tranh phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trở nên khó khăn, phức tạp hơn.
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang được các thế lực thù địch triệt để lợi dụng nhằm thực hiện các âm mưu, thủ đoạn chống phá Đảng, Nhà nước ta; khiến cuộc đấu tranh chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng ta càng khó khăn, phức tạp và khó lường hơn. Giờ đây, tiến bộ công nghệ bị các thế lực thù địch lợi dụng biến thành “công cụ” hữu hiệu tuyên truyền xuyên biên giới nhằm xuyên tạc, chống phá nền tảng tư tưởng, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhờ sự trợ giúp của công nghệ, hoạt động chống phá gia tăng về quy mô, đa dạng về hình thức, nguy hiểm về tính chất, không bị giới hạn bởi không gian, thời gian; làm “mờ đi” chủng tộc, màu da, quốc tịch, hệ tư tưởng, bạn - thù. Con người dễ bị lạc vào thế giới “ảo” dưới sự dẫn dắt bởi tin giả, tin xấu, độc của các thế lực phản động với sự hỗ trợ đắc lực của các thành tựu công nghệ mới. Các thế lực thù địch triệt để lợi dụng công nghệ để đẩy tin giả, tin xấu, độc lên không gian mạng, gây nên hỗn loạn thông tin, lẫn lộn thật giả, rồi tiến tới “tiêm nhiễm”, “dẫn dắt”, “đánh lừa”, “ru ngủ” đến mức làm cho người sử dụng đôi khi mất cảnh giác, không thể tự nhận biết về việc mình đang “tự diễn biến”, đang “tự chuyển hóa”.
Thứ hai, dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các thủ đoạn chống phá đa dạng, tinh vi, phức tạp và nguy hiểm hơn.
Thông qua không gian mạng, mà trực tiếp là các trang mạng xã hội, các diễn đàn, hệ thống truyền thông đa phương tiện, các thế lực thù địch gieo rắc các thông tin xấu, độc, xuyên tạc, tấn công trực diện, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm phá hủy nền tảng tư tưởng của Đảng, bản chất cách mạng của Đảng và Nhà nước. Với luận điệu xuyên tạc được lặp đi lặp lại nhiều lần, các thế lực thù địch sử dụng công nghệ để tạo ra sự “thu hút” ảo, như số lượng người đọc, người bình luận, người chia sẻ “khủng” để gây chú ý, hoài nghi, hoang mang và dần làm lung lay tư tưởng của một số cán bộ, đảng viên. Chúng đội lốt, nhân danh “công lý”, “tập thể”, “quyền dân sự” để lập các hội, nhóm nhằm tập hợp, lôi kéo một số cán bộ thoái hóa, biến chất; lập ra cái gọi là “thư ngỏ”, “tâm thư”, “kiến nghị” rồi phát tán nội dung trên các trang mạng xã hội, trong đó có facebook, zalo cá nhân hòng làm nhiễu loạn tình hình.
Thông qua mạng xã hội, các thế lực thù địch gieo rắc các thông tin xuyên tạc, sai trái, thù địch âm mưu tấn công trực diện vào nền tảng tư tưởng của Đảng ta _Ảnh: Tư liệu
Lợi dụng một số sai lầm, khuyết điểm, sơ hở trong quản lý kinh tế - xã hội ở nơi này hay nơi khác, sự tha hóa, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên, chúng tung ra các bài viết, phát tán tài liệu kích bác, bôi nhọ lãnh tụ, bôi đen chế độ. Chúng thổi phồng tình trạng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực của một số cán bộ, coi đó là căn bệnh “thâm căn cố hữu” của chế độ ta. Chúng lợi dụng công nghệ để kết nối giữa các tổ chức, cá nhân, các trang mạng phản động ở nước ngoài và trong nước nhằm trao đổi thông tin, tài liệu, tài chính, phương tiện và phối hợp triển khai các biện pháp chống phá ta từ bên trong. Các tổ chức phản động ở nước ngoài cũng lợi dụng công nghệ như một “cánh cửa” dang rộng “vòng tay” đón những phần tử phản động, cơ hội, bất mãn chính trị trong nước để tập hợp lực lượng.
Các lực lượng thù địch lợi dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ trí tuệ nhân tạo để đầu tư tài chính, công nghệ, con người cho lĩnh vực truyền thông nhằm tuyên truyền, xuyên tạc, vu khống, lôi kéo, dần dần làm “đổi màu” truyền thông, tách truyền thông khỏi sự lãnh đạo của Đảng. Chúng triệt để lợi dụng công nghệ để đầu tư kỹ lưỡng cho các sản phẩm truyền thông xấu, độc, phản giá trị; khoét sâu vào trí tò mò, thích cái mới lạ, tin giật gân về các vấn đề kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội để nhanh chóng lan tỏa trên môi trường mạng toàn cầu. Điều đó không chỉ khiến một bộ phận người dân có trình độ nhận thức thấp, ít thông tin bị mê hoặc mà còn làm cho một bộ phận cán bộ, đảng viên hoài nghi, hoang mang, dao động, lung lay lập trường và dần tin theo, nghe theo, nói theo, từ đó hình thành dư luận tiêu cực lan tỏa trong xã hội. Cuối cùng, điều nguy hiểm nhất là chúng tiêm nhiễm tư tưởng thù địch, dẫn đến sự chống đối, quay lưng lại với chế độ của một số cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất.
Tiện ích của nền tảng công nghệ 4.0 cho phép người dùng tiếp cận thông tin mới nhất, nhanh nhất, nóng nhất ở bất kỳ nơi đâu, vào bất cứ lúc nào. Báo in chính thống đứng trước những thách thức to lớn của mạng xã hội. Công nghệ đã biến những kẻ chống đối, cơ hội chính trị, lực lượng phản động thành các “nhà báo”, “nhà quay phim”, “nhiếp ảnh gia” hiện trường (livestream), thậm chí là “học giả uy tín” để chúng nhào nặn thông tin, trộn lẫn thật giả, đúng sai để bình luận, thêu dệt, gán ghép với mưu đồ chính trị đen tối trong mọi sự kiện; làm cho cán bộ, đảng viên dao động, nghi ngờ giữa đúng và sai, thật và giả, dần dần đi đến chỗ mất niềm tin vào Đảng và chế độ. Chúng kêu gọi phi chính trị hóa với mưu đồ đen tối làm cho Quân đội xa rời mục tiêu, lý tưởng của Đảng; làm cho cán bộ, chiến sĩ lung lạc, mơ hồ về mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, dần mất phương hướng, bạc nhược về chính trị, tê liệt sức chiến đấu; biến Quân đội thành đội quân không còn là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân nữa.
Thứ ba, bằng những thủ đoạn chống phá mới, các thế lực thù địch, phản động đã thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta.
Dù muốn hay không, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng, trong hàng ngũ của chúng ta có một bộ phận cán bộ, đảng viên đã bị lôi kéo, mua chuộc, thoái hóa, biến chất. Một số cán bộ, đảng viên sau khi bị tiêm nhiễm thông tin tiêu cực, độc hại đã tỏ ra hoài nghi về con đường cách mạng, có tư tưởng xét lại một số chủ trương của Đảng, như đảng viên làm kinh tế tư nhân, phát triển kinh tế tư nhân hay vấn đề kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa,... Họ hoài nghi và cho rằng, đây chính là biểu hiện, là minh chứng về sự dần “đổi màu” của Đảng, của chế độ. Nhiều cán bộ, đảng viên từ lung lay lập trường, lại bị tác động, tấn công dồn dập của kẻ thù trên không gian mạng nên dẫn tới tha hóa, biến chất, biến thành những phần tử cơ hội chính trị, thậm chí phản bội lại lợi ích dân tộc và nhân dân.
Có những cán bộ phai nhạt lý tưởng, không kiên định con đường cách mạng, mơ hồ, dao động, thiếu niềm tin, nói và làm trái với quan điểm của Đảng, sa sút ý chí chiến đấu, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, lợi dụng công nghệ và mạng xã hội để “chia sẻ”, “bình luận”, hùa theo các quan điểm sai trái, lệch lạc; không tận tâm, tận lực vì Tổ quốc, vì cách mạng, vì nhân dân, không làm tròn chức trách, bổn phận được giao; kết bè, kéo cánh, tham nhũng, hủ hóa, cơ hội, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của nhân dân; gián tiếp tiếp tay cho các lực lượng thù địch chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng.
Mạng xã hội hiện nay giúp kết nối những người xa lạ, nhưng lại bị lợi dụng làm xa cách con người trong một tổ chức. Một bộ phận cán bộ, đảng viên dần đi vào lối sống “ảo”, làm việc thiếu chuyên tâm, ngại học tập lý luận chính trị, dẫn tới xa rời mục tiêu, lý tưởng cách mạng, từ bỏ con đường đã chọn. Nhiều cán bộ, đảng viên mất phương hướng, lầm lẫn giữa cái đúng và cái sai, cái tốt và cái xấu, thực và “ảo”, bạn và thù. Thực tế cho thấy, sau khi bị tiêm nhiễm, có những cán bộ đi vào quá trình “tự diễn biến”, căn bệnh ngày càng trầm trọng thêm nếu tổ chức không phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời. “Diễn biến” đến “độ” nhất định sẽ dẫn tới sự “chuyển hóa”, trở thành “sâu mọt” trong tổ chức và hành vi tất yếu tiếp theo là tiếp tay cho kẻ địch lên mạng nói xấu, bôi nhọ, tuyên truyền các quan điểm sai trái, phản động, thù địch.
Có thể nhận thấy rằng, dưới tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư các thế lực thù địch, phản động đang đẩy mạnh quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên với những cách thức và biện pháp mới vừa tinh vi, đa dạng, vừa phức tạp và nguy hiểm hơn trước. Nhưng dù được tiến hành với hình thức và biện pháp nào đi chăng nữa thì mục tiêu, bản chất chống phá của các thế lực thù địch, phản động vẫn không hề thay đổi, từ gieo rắc sự nghi ngờ, lung lay về lý tưởng và cuối cùng là sự thay đổi, buông bỏ lập trường giai cấp công nhân, phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng. Để phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay, vấn đề đặt ra là phải nhận diện chính xác những tác động, nhất là những tác động tiêu cực của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để từ đó, có những biện pháp khắc chế hữu hiệu.
Phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên trong việc tự tu dưỡng, tự học tập để nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị nhằm nâng cao "sức đề kháng" trước các loại thông tin xấu, độc trên không gian mạng _Ảnh: minh họa
Tăng cường công tác phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư
Diễn biến mới, phức tạp và khó nhận diện của biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đòi hỏi chúng ta phải hành động kiên quyết và khôn khéo để bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ tổ chức, tạo ra hệ “miễn dịch” bảo vệ cán bộ, đảng viên. Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cần thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:
Một là, tăng cường giáo dục chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng nhằm nâng cao trình độ lý luận chính trị, xây dựng bản lĩnh chính trị, tư tưởng vững vàng cho cán bộ, đảng viên. Về bản chất là trang bị cho cán bộ, đảng viên cả “thanh kiếm” và “khiên chắn” để tăng cường “sức đề kháng”, tạo hệ “miễn dịch” trong tư tưởng, nhận thức của mỗi người trước sự lôi kéo của các thế lực thù địch. V.I. Lê-nin đã từng nhắc nhở: “Không ai có thể tiêu diệt được chúng ta, ngoài những sai lầm của bản thân chúng ta”(1) và bài học sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu vào những năm 1989 - 1991 của thế kỷ trước là minh chứng sâu sắc cho luận điểm này.
Hai là, phát huy vai trò của tổ chức đảng để ngăn chặn, đẩy lùi “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” từ cơ sở. Mỗi chi bộ, đảng bộ cần làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, nhất là nắm và giải quyết vấn đề chính trị hiện nay; quản lý chặt chẽ tình hình tư tưởng chính trị; kịp thời phát hiện những nhận thức lệch lạc và giáo dục, định hướng, giải quyết tốt để tạo sức đề kháng từ phía tổ chức. Có lẽ, đã đến lúc mỗi chi bộ, đảng bộ cần quy định rõ những vấn đề cán bộ, đảng viên không được tham gia trên mạng xã hội; từ đó, xây dựng rào chắn và ý thức, trách nhiệm đúng đắn của cán bộ, đảng viên khi tham gia, tiếp nhận, xử lý thông tin trên mạng xã hội.
Ba là, đầu tư, hiện đại hóa các phương tiện, công cụ truyền thông để tạo điều kiện thuận lợi cho đấu tranh, vạch trần những âm mưu, thủ đoạn nham hiểm của các thế lực thù địch. Các chiêu thức chống phá tinh vi đòi hỏi công tác đấu tranh không chỉ dừng lại ở việc hô khẩu hiệu, mà quan trọng là chúng ta phải bảo vệ nền tảng tư tưởng, phản bác quan điểm sai trái, thù địch bằng lý luận sắc bén, thuyết phục. Đồng thời, khai thác tốt vai trò công nghệ để giám sát các thông tin độc hại ngay từ nguồn phát tán để ngăn chặn từ sớm, từ xa; để mở rộng tối đa phạm vi bao phủ của thông tin chính thống trên hệ sinh thái truyền thông, tạo khả năng áp đảo cần thiết trong các loại hình chiến tranh thông tin. Do đó, cần xây dựng đội ngũ cán bộ giỏi về công nghệ trong các cơ quan chuyên môn để quản lý, sàng lọc, định hướng thông tin, định hướng những vấn đề cần tập trung đấu tranh; đồng thời, sử dụng công nghệ để vạch trần, chỉ ra những mánh khóe, thủ đoạn, âm mưu ẩn chứa tinh vi trong những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Bên cạnh đó, cần ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giáo dục, định hướng tư tưởng cho cán bộ, đảng viên trước những tiêu cực, mặt trái, những vấn đề chính trị - xã hội phức tạp; nâng cao chất lượng các bài viết, bài bình luận, thiết kế âm thanh, hình ảnh hiện đại, tiện ích, đa phương tiện để thu hút sự quan tâm của độc giả trong nội bộ các tổ chức, cơ quan, đơn vị và cả xã hội.
Bốn là, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên trong việc tự tu dưỡng, tự học tập để nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng. Đó là con đường tự thân nhằm nâng cao sức đề kháng thông qua khả năng tự nhận biết, tự phân loại, sàng lọc và định hướng thông tin để tự bảo vệ mình, bảo vệ tổ chức trước các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch; không để lực lượng thù địch có cơ hội lợi dụng, mua chuộc, lôi kéo, chống phá. Rõ ràng là khi mỗi cán bộ, đảng viên đều có ý thức cảnh giác, tự “hoàn thiện” cơ chế tự phòng vệ bằng trình độ lý luận chính trị và nhận thức, hiểu biết của mình thì không kẻ thù nào khiến chúng ta có thể “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”./.
------------------------------------------
(1) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t. 42, tr. 311
PGS, TS. BÙI NGỌC QUỴNH* - TS. NGUYỄN ĐỨC LONG **
* Đại tá, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng - ** Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng