Tìm kiếm tin tức
Triển khai nhiều giải pháp để tiêu thụ nông sản cho người dân do ảnh hưởng của dịch COVID - 19
Ngày cập nhật 27/03/2020

Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID – 19 nên nhiều hàng hóa nông sản trên địa bàn huyện khó khăn trong công tác tiêu thụ sản phẩm, nhất là gà, vịt, cá đã đến kỳ xuất bán những chưa bán được, gây khó khăn cho người nông dân. Huyện Quảng Điền đã và đang triển khai các giải pháp để tiêu thụ sản phẩm cho người dân.

Tại trang trại của ông Phan Lại Đức, ở xã Quảng Vinh có 4.000 con gà đã đến kỳ xuất bán nhưng vẫn chưa tiêu thụ được. Gia đình ông hết sức lo lắng, do thức ăn cho gà mỗi ngày hơn 1,5 triệu đồng. Hiện nay, gia đình ông đang tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ.

Là trang trại chăn nuôi vịt quy mô lớn tại xã Quảng Lợi, từ đầu tháng 3/2020 đến nay, trang trại của ông Lê Đình Thi không thể tiêu thụ được số vịt đến thời điểm xuất chuồng với trên 5.000 con do giá thấp và tiêu thụ chậm. Trong khi đó, nếu tiếp tục duy trì, mỗi ngày anh phải trang trải khoản thức ăn gần 2 triệu đồng.

Chỉ tính riêng trên vùng trang trại rú cát ở các xã như Quảng Vinh, Quảng Lợi, Quảng Thái, Quảng Phú có 14 hộ chăn nuôi gà thịt, gà đẻ trứng, 08 hộ chăn nuôi vịt và 04 hộ nuôi cá diêu hồng đã đến thời kỳ bán, tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc tiêu thụ sản phẩm gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài ra, các hộ chăn nuôi gà, vịt quy mô nhỏ lẽ tại các hộ gia đình cũng khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, giá thành rất thấp nhưng thị trường tiêu thụ hết sức hạn chế.

Theo thống kê của phòng NN và PTNT huyện, toàn huyện hiện có trên 22.000 con lợn, gần 2.000 con trâu, 2.300 con bò và 540.000 con gia cầm. Từ khi xuất hiện dịch bệnh COVID- 19 đến nay, số lượng lợn, trâu bò vẫn tiêu thụ ổn định, chỉ có chăn nuôi gia cầm gặp khó khăn do ế ẩm và giá sụt giảm, nhất là vùng trang trại ở các xã Quảng Lợi, Quảng Vinh. Hiện, trên địa bàn có 40.000 con gà đến trọng lượng xuất bán và 25.000 con vịt xuất chuồng, song do giá giảm từ 20.000- 25.000 đồng/con nên người dân gặp khó. Để giải cứu gia cầm cho các hộ chăn nuôi tập trung, huyện đã vận động bà con trên địa bàn thay đổi thói quen tiêu dùng, chuyển từ thịt lợn sang thịt gà, vịt, đồng thời tiếp tục củng cố, mở rộng các chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm nông sản, hướng dẫn các hộ nuôi giảm lượng thức ăn công nghiệp, tăng cường lượng thức ăn có sẵn như lứa, sắn, ngô để hạ giá thành sản phẩm, nâng cao chất lượng thịt và đáp ứng nhu cầu thị trường.

   Tại cuộc họp bàn giải pháp để kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản của UBND huyện tổ chức vào sáng ngày 23/3 do đồng chí Trương Duy Hải - UVTV – Phó chủ tịch UBND huyện chủ trì và lãnh đạo các địa phương, các chủ trang trại để bàn giải pháp tiêu thụ gà, vịt và cá diêu hồng để giúp cho người nông dân vượt qua khó khăn và tiếp tục sản xuất trong thời gian tới. Theo đó, huyện Quảng Điền sẽ lập Trang giao dịch tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên hệ thống Zalo để cập nhật số lượng, giá cả và nhu cầu tiêu thụ, nơi cần mua- bán và phối hợp với các địa phương, Ban quản lý các chợ, hộ chăn nuôi với mục đích giải cứu” nhanh số lượng gia cầm cho người dân. Mỗi người dân và cán bộ, công chức trên địa bàn huyện cần tiêu thụ từ 1 đến 2 con gà, vịt và 1kg cá diêu hồng để hỗ trợ người chăn nuôi. Đồng thời, các cấp, các ngành chuyên môn trong huyện cũng tích cực liên kết, tìm kiếm thị trường, mời gọi các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân có nhu cầu để tổ chức thu mua tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho người chăn nuôi. Đồng thời, vận động người dân cùng hợp tác với doanh nghiệp, các tổ chức kinh doanh sản phẩm nông nghiệp đảm bảo cung ứng nguồn hàng, chất lượng, giá cả hợp lý, vận động các lực lượng thanh niên, đoàn thể xã hội, cán bộ, công chức, viên chức giới thiệu, tiêu thụ hàng nông sản cho bà con nhằm hạn chế thiệt hại cho người chăn nuôi. Giá gà, vịt sống 50.000 đồng/ kg, giá cá diêu hồng 40.000 đồng/kg.

  Thị trường tiêu thụ các sản phẩm gia cầm giảm là tất yếu khi các nhà hàng, khách sạn ít khách; các hội nghị, tiệc cưới đều hoãn, gây khó khăn cho người nông dân, huyện Quảng Điền cũng chỉ đạo các ban ngành liên quan ban  tăng cường tổ chức kiểm soát nguồn hàng từ các nơi khác nhập về nhằm đảm bảo quyền lợi cho các hộ chăn nuôi; Ban quản lý các chợ cập nhật danh sách các tiểu thương kinh doanh gia cầm để phối hợp trong vấn đề tiêu thụ và giết mổ, có thể huy động lực lượng giao hàng tận nơi cho khách./.

ST
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.705.051
Truy cập hiện tại 654