Việc thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) gắn với công tác cải cách hành chính (CCHC) có vai trò hết sức quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất chính trị, năng lực và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu phát triển và đổi mới. Làm tốt công tác CCHC cũng như đẩy mạnh việc thực hiện QCDC sẽ tác động mạnh mẽ đến việc củng cố và nâng cao vị thế của bộ máy nhà nước, đảm bảo hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của mỗi cơ quan, đơn vị; đồng thời, từng bước nâng cao ý thức trách nhiệm và đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức; tích cực phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi tham nhũng, lãng phí, quan liêu, phiền hà, sách nhiễu nhân dân.
Thực hiện QCDC ở cơ sở và CCHC đều hướng tới một mục tiêu chung, đó là: Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả và thực sự là “Nhà nước của dân, do dân, vì dân” dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thực tế cho thấy, ở đâu thực hiện tốt QCDC cơ sở thì ở đó thực hiện tốt công tác CCHC và ngược lại.
Thông qua việc thực hiện QCDC và đẩy mạnh CCHC, hoạt động của HĐND các cấp trong tỉnh đã có nhiều đổi mới. Công tác tiếp xúc cử tri được cải tiến, thiết thực, hiệu quả hơn; các điểm tiếp xúc cử tri được bố trí về tận thôn, bản, vùng sâu, vùng xa, đến với từng đối tượng. Đại biểu HĐND đã thực hiện tốt việc tiếp xúc cử tri để trực tiếp nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của quần chúng Nhân dân. Nhờ đó, nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri đều được đối thoại, giải thích trực tiếp và xem xét giải quyết. Chất lượng các kỳ họp của HĐND các cấp ngày càng được nâng lên. Các kỳ họp của HĐND tỉnh, huyện, thị xã và thành phố đã được truyền thanh, truyền hình trực tiếp, tạo điều kiện cho Nhân dân theo dõi các hoạt động của HĐND tại kỳ họp được Nhân dân thực sự quan tâm.
UBND các cấp chú trọng chỉ đạo thực hiện QCDC ở trong các loại hình cơ sở, gắn việc xây dựng và thực hiện QCDC với việc củng cố xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh công tác CCHC ở các ngành, địa phương; đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của bộ phận một cửa, tạo điều kiện để người dân thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ công dân của mình. UBND các huyện, thị xã, thành phố, các sở, ban, ngành đã tích cực hướng dẫn, phối hợp kiểm tra việc xây dựng và thực hiện QCDC.
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ chủ trì hội nghị sơ kết công tác cải cách hành chính do
Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức
Cùng với việc thực hiện QCDC, công tác CCHC trên địa bàn tỉnh được quan tâm chỉ đạo và triển khai quyết liệt. UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch CCHC giai đoạn 2016-2020 và kế hoạch CCHC hàng năm để xác định các nội dung cần tập trung chỉ đạo thực hiện, với các nhiệm vụ cụ thể của tháng, quý gắn với trách nhiệm đối với từng cấp, từng ngành.
Từ năm 2017 đến nay, tỉnh đều đưa công tác CCHC vào chương trình trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nhờ vậy, công tác CCHC của tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực và luôn được đánh giá cao. Việc cung cấp dịch vụ hành chính công giúp cho việc giải quyết thủ tục hành chính nhanh hơn, đảm bảo công khai, minh bạch. Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, các Trung tâm Hành chính công cấp huyện đi vào hoạt động ổn định. Nhiều Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã khai trương, đi vào hoạt động đã tạo sự thống nhất, đồng bộ, liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính ở các cấp, tạo môi trường làm việc thuận tiện, văn minh, hiện đại, mang lại sự hài lòng cho tổ chức, cá nhân.
Nhìn chung, quá trình thực hiện QCDC gắn với CCHC ở các đơn vị, địa phương trong thời gian qua đã mang lại nhiều kết quả. Về cơ bản, đã giải quyết được các vấn đề bức xúc ở địa phương, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; hạn chế những khiếu nại, tố cáo vượt cấp; tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
Thực hiện QCDC góp phần nâng cao đạo đức công vụ, cải tiến lề lối, phong cách làm việc của CBCC, ngày càng trọng dân, gần dân, sâu sát với Nhân dân, hạn chế tình trạng quan liêu, qua đó tạo điều kiện để các cơ quan thực hiện tốt công tác CCHC. Mối quan hệ giữa cấp ủy Đảng, chính quyền và Nhân dân ngày càng gắn bó. Nhân dân thẳng thắn góp ý cán bộ, đảng viên, phát hiện những cán bộ, đảng viên vi phạm để báo cáo tổ chức xem xét, góp phần làm trong sạch tổ chức Đảng và chính quyền các cấp.
Thời gian tới, các cơ quan, ban, ngành, địa phương cần bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh, vận động cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng đã đề ra. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước, sửa đổi lề lối làm việc theo hướng dân chủ hóa và công khai hóa, chống quan liêu, cửa quyền, tham nhũng. Triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm các mục tiêu phát triển, đáp ứng kịp thời lợi ích và nguyện vọng của Nhân dân.