(Chinhphu.vn) – Bộ Công Thương vừa công bố lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ về Thương mại điện tử nhằm giải quyết một số vướng mắc trong thực tiễn hiện nay.
|
Ảnh minh họa |
Bộ Công Thương cho biết, Chính phủ ban hành Nghị định số52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 về Thương mại điện tử (TMĐT) đã tạo điều kiện để TMĐT phát triển, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và xây dựng tập quán thương mại hiện đại cho Việt Nam.
Tuy nhiên, hoạt động TMĐT là lĩnh vực chịu nhiều tác động và thay đổi nhanh chóng. Nhiều mô hình TMĐT mới xuất hiện, đa dạng về cách thức hoạt động và chủ thể tham gia, đặc biệt các mạng xã hội đang nổi lên là một phương thức giao dịch TMĐT phổ biến nhưng chưa được điều chỉnh; các hành vi vi phạm trong TMĐT diễn ra ngày càng phức tạp, đặc biệt là vấn nạn hàng giả, hàng lậu, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên các sàn giao dịch TMĐT và mạng xã hội; hoạt động TMĐT có yếu tố nước ngoài phát sinh dưới nhiều hình thức; và một số vấn đề khác đang đặt ra yêu cầu mới đối với cơ quan quản lý nhà nước. Do vậy, việc xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ về Thương mại điện tử là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Minh bạch thông tin hàng hoá trong hoạt động TMĐT, chống hàng giả
Dự thảo sửa đổi, bổ sung quy định nhằm minh bạch thông tin hàng hoá, dịch vụ trong hoạt động TMĐT, chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Cụ thể, sửa đổi quy định về thông tin hàng hóa, dịch vụ trong hoạt động TMĐT tại Điều 30 Nghị định 52. Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung quy định này theo hướng quản lý chặt hơn đối với thông tin hàng hóa công khai trên website, đồng thời các thông tin này phải theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa, phù hợp với đặc tính của từng loại hàng hóa.
Bổ sung quy định về thông tin vận chuyển và giao nhận tại điểm d khoản 1 Điều 33 Nghị định 52; theo đó, bổ sung quy định về việc phân định rõ trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung ứng dịch vụ lưu kho, vận chuyển, giao hàng (gọi chung là dịch vụ logistics) về cung cấp chứng từ hàng hóa trong quá trình giao nhận, đảm bảo điều kiện thực thi cho các cơ quan phòng, chống hàng giả, hàng lậu, gian lận thương mại.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung quy định đối với quản lý hoạt động TMĐT trên mạng xã hội: Với mục tiêu thiết lập cơ sở pháp lý đầy đủ cho TMĐT trên mạng xã hội hoạt động với định hướng tạo sân chơi công bằng, bình đẳng giữa các phương thức hoạt động TMĐT dù trong lãnh thổ Việt Nam hay xuyên biên giới; hạn chế hoạt động buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường mạng, Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung các hình thức hoạt động của sàn giao dịch TMĐT, theo đó khoản 2 Điều 35 đã bổ sung mạng xã hội có các đặc tính như sàn giao dịch TMĐT thì thực hiện theo quy định về sàn giao dịch TMĐT.
Đối với quy định về trách nhiệm thực hiện thủ tục thông báo website TMĐT bán hàng: Dự thảo sửa đổi quy định về trách nhiệm của thương nhân, tổ chức, cá nhân sở hữu website TMĐT bán hàng tại Điều 27 Nghị định 52 theo hướng thu hẹp phạm vi thực hiện thủ tục hành chính của tổ chức, cá nhân. Theo đó, chỉ website TMĐT bán hàng có chức năng đặt hàng trực tuyến mới phải thực hiện thủ tục hành chính thông báo với Bộ Công Thương.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Lan Phương