TTO - Bà Naomi Kitahara, trưởng đại diện Quỹ dân số Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam, nhấn mạnh việc phải nhận ra nhu cầu đặc biệt của các nhóm thanh niên dễ bị tổn thương, khuyến khích nhóm này tham gia đối thoại để 'không ai bị bỏ lại phía sau'.
Sáng 10-9, tại Hà Nội, Bộ Nội vụ phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam (UNFA) tổ chức hội nghị triển khai Luật thanh niên.
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Anh Tuấn, thứ trưởng Bộ Nội vụ, cho biết ngày 16-6, kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật thanh niên 2020 thay thế Luật thanh niên năm 2005, và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021.
Việc ban hành Luật thanh niên có ý nghĩa chính trị, pháp lý sâu sắc trong điều kiện mới; bảo đảm tiếp tục thực hiện quyền, nghĩa vụ, lợi ích hợp pháp của thanh niên; quy định trách nhiệm của thanh niên; quy định rõ các chính sách của Nhà nước đối với thanh niên. Đồng thời quy định rõ trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình đối với thanh niên, trách nhiệm quản lý nhà nước đối với thanh niên.
Ông Nguyễn Văn Tuyết, phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu nhiên và nhi đồng của Quốc hội - Ảnh: HÀ THANH
Nhận ra nhu cầu đặc biệt của nhóm thanh niên dễ bị tổn thương
Bà Naomi Kitahara, trưởng đại diện Quỹ dân số Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam, nhận định điều quan trọng là các nhóm thanh niên khác nhau phải được tôn trọng đầy đủ trong giai đoạn thực thi Luật thanh niên mới.
"Phải nhận ra nhu cầu đặc biệt của các nhóm thanh niên dễ bị tổn thương như trẻ em gái, thanh niên khuyết tật, thanh niên dân tộc thiểu số, thanh niên đồng tính và thanh niên công nhân di cư. Việc bảo vệ họ và quyền của họ cần phải được đưa vào, và thúc đẩy thực hiện trong các nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật thanh niên 2020 ở các cấp", bà Naomi Kitahara nhấn mạnh.
Bà hoan nghênh chính sách đối thoại với thanh niên được đưa vào Luật thanh niên mới. Tuy nhiên bà góp ý cần phải có các diễn đàn thân thiện để khuyến khích nhóm thanh niên dễ bị tổn thương tham gia đối thoại thường xuyên với lãnh đạo Nhà nước, các nhà hoạch định chính sách về nhu cầu và mối quan tâm của họ, đặc biệt trong bối cảnh mục tiêu phát triển bền vững, đảm bảo "không ai bị bỏ lại phía sau".
Anh Nguyễn Ngọc Lương, bí thư Trung ương Đoàn, cho biết hiện Trung ương Đoàn đã chủ động xây dựng kế hoạch, cụ thể hóa các phần việc triển khai ngay khi Luật thanh niên có hiệu lực vào 1-1-2021 - Ảnh: HÀ THANH
Sớm tham mưu Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật
Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Tuyết, phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu nhiên và nhi đồng của Quốc hội, nêu ý kiến để Luật thanh niên có hiệu lực, hiệu quả, đi vào cuộc sống, các cơ quan nhà nước, các tổ chức cá nhân có liên quan cần nhanh chóng hướng dẫn, triển khai thực hiện luật, có văn bản hướng dẫn theo "ngành dọc".
Ông cho biết thời gian tới, Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội sẽ phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân tăng cường giám sát thực hiện Luật thanh niên.
Anh Nguyễn Ngọc Lương, bí thư Trung ương Đoàn, cho biết phương châm chung của Trung ương Đoàn là không đợi mà chuẩn bị sớm, chủ động xây dựng kế hoạch, cụ thể hóa các phần việc. "Tinh thần chung khi Luật thanh niên có hiệu lực thì những nội dung này sẽ bắt tay làm ngay", anh Lương cho biết lộ trình là sẽ thực hiện trong quý 4-2020.
Cụ thể, làm tốt công tác quán triệt tuyên truyền thực hiện Luật thanh niên; cụ thể hóa các nội dung được quy định thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của tổ chức Đoàn được quy định trong Luật thanh niên; giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật đối với thanh niên, phản biện xã hội với các dự thảo văn bản pháp luật liên quan đến thanh niên.
Cùng với đó, lựa chọn một số lĩnh vực trọng tâm để tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như về học tập, nghiên cứu khoa học, lao động việc làm, khởi nghiệp là chính sách ưu tiên; rà soát các chính sách quy định trong Luật như thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện.
HÀ THANH