Tìm kiếm tin tức
Hội thảo xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030
Ngày cập nhật 26/04/2022

- Sáng ngày 25/04, UBND tỉnh tổ chức Hội thảo xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Dự và chủ trì hội thảo có UVTV Tỉnh ủy – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình. Tham dự hội thảo có UVTV Tỉnh ủy – Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Quang Tuấn; đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; các thành viên của Hội đồng tư vấn, các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các sở, ngành, địa phương của tỉnh.

Nguồn nhân lực (NNL) luôn là một trong những nội dung được đặt trọng tâm trong các chính sách phát triển của Thừa Thiên Huế, cụ thể trong Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đưa ra 6 nhiệm vụ trọng tâm trong đó có nhiệm vụ tập trung phát triển NNL, nhất là NNL chất lượng cao. 

Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đặt ra mục tiêu: Xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2025 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh; đến năm 2030, xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; quốc phòng, an ninh được đảm bảo vững chắc; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Tầm nhìn đến năm 2045, Thừa Thiên Huế là thành phố Festival, trung tâm văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của Châu Á...

Đại diện Viện Khoa học lao động và xã hội trình bày dự thảo về Đề án tại hội thảo

Tại hội thảo, đại diện Viện Khoa học lao động và xã hội đã trình bày dự thảo về Đề án phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Qua đó, đã phân tích, đánh giá về thực trạng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; nêu lên các quan điểm, mục tiêu và các giải pháp chủ yếu về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Đánh giá về NNL tại Thừa Thiên Huế, ông Lê Ngự Bình, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội – Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho rằng, từ năm 2019, quy mô lực lượng lao động (LLLĐ) tại tỉnh có xu hướng giảm, tỉ lệ tham gia LLLĐ của dân số từ 15 tuổi trở lên ở mức thấp so với cả nước và vùng Duyên hải miền Trung. Trong bối cảnh đó, mặc dù có tiến bộ trong trình độ học vấn, song LLLĐ cũng có xu hướng già hóa, mức độ đáp ứng nhu cầu cho các doanh nghiệp cũng chỉ mức trung bình. Chính những điều ấy tạo ra rào cản trong việc phát triển kinh tế - xã hội.

Đánh giá về mức độ gắn kết giữ đào tạo với sử dụng NNL cho thấy, chất lượng lẫn số lượng của lao động trực tiếp sản xuất kinh doành còn thiếu hụt. Giai đoạn 2016-2020, lao động qua đào tạo nhập cư và di cư từ tỉnh có xu hướng giảm, tuy nhiên lao động qua đào tạo di cư từ tỉnh đến các tỉnh, thành khác cao hơn lao động nhập cư đến tỉnh. Quy mô và việc làm của NNL chất lượng cao hiện nay của tỉnh chiếm tỉ trọng nhỏ trong tổng LLLĐ. “NNL chất lượng cao cho 04 lĩnh vực chủ lực của tỉnh gồm giáo dục - đào tạo, văn hóa-du lịch, y tế, khoa học công nghệ tuy có chất lượng cao hơn so với mặt bằng chung toàn tỉnh, song còn nhiều hạn chế”, ông Lê Ngự Bình nhìn nhận.

GS.TS Lê Vinh Danh, Cố vấn cấp cao – Trường Đại học Văn Lang trao đổi tại hội thảo

Thảo luận tại hội thảo, theo GS.TS Lê Vinh Danh, Cố vấn cấp cao – Trường Đại học Văn Lang, phát triển NNL nói chung phải quan tâm đến yếu tố việc làm, cần bổ sung NNL chất lượng cao từ khởi nghiệp. Đối với từng ngành cũng phải mô tả tiêu chí cụ thể trên cơ sở nắm bắt tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài ra, phân luồng NNL dựa vào mục tiêu, số lượng theo từng năm. GS.TS Lê Vinh Danh cho rằng, bước đầu đề án phát triển NLL của tỉnh khá cụ thể, song cần có hướng dẫn sâu hơn về việc xây dựng kế hoạch. Theo đó, NNL phải dựa trên mục tiêu phát triển của tỉnh; xác định NNL từng khu vực việc làm; dự toán chi tiết nhu cầu từng vị trí; xác định số lượng cho loại hình NNL chất lượng cao. Ngoài ra, muốn thu hút NNL chất lượng cao cần tạo ra các trung tâm sáng tạo để họ có môi trường làm việc, đặc biệt, quan tâm đến việc đưa người lao động ra nước ngoài để đào và thu hút NNL ngoài nước.

PGS.TS Mạc Văn Tiến, Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục và Quản lý kinh tế trao đổi tại hội thảo

PGS.TS Mạc Văn Tiến, Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục và Quản lý kinh tế đề xuất tỉnh lưu ý đến việc tạo ra các mô hình kinh tế mới. Ông Tiến đưa ra dự báo 80% những công việc truyền thống sẽ biến mất nên cần nghiên cứu công việc mới cho người lao động tiếp theo là gì. Chúng ta cần chú ý đến các kỹ năng số, việc làm số để hỗ trợ đào tạo những năng lực mới cho người lao động. Chú trọng phát triển công nghệ sinh học và tập trung mở rộng phạm vi các ngành, lĩnh vực công nghệ cao ở vùng ngoại ô. Riêng với nhân lực chất lượng cao cần có tiêu chí cụ thể.

Tại hội thảo, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến tư vấn, phản biện chân thành, thẳng thắn, thiết thực và hiệu quả, tập trung chủ yếu vào Đề án. Các ý kiến đóng góp các chuyên gia, các nhà khoa học chính là cơ sở khoa học, thực tiễn, độc lập, khách quan giúp các cơ quan liên quan có thêm thông tin, căn cứ trong việc xây dựng, thẩm định, phê duyệt và triển khai thực hiện Đề án; từ đó đề xuất giải pháp, kiến nghị góp phần đảm bảo tính khả thi khi thực hiện Đề án.

Phát biểu tại hội thảo, UVTV Tỉnh ủy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho biết, nguồn nhân lực luôn là một trong những nội dung được đặt trọng tâm trong các chính sách phát triển của Thừa Thiên Huế, cụ thể trong Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Vì vậy việc xây dựng đề án cần nhìn nhận một cách toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, trên cơ sở các định hướng, chủ trương của tỉnh. Đề án phải mang tính tổng quát chung, được đánh giá một cách toàn diện các cơ chế, chính sách, đưa ra các dự báo cơ hội, thách thức và những giải pháp thực hiện có tính chất quyết định đến sự phát triển chung của tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đánh giá cao đơn vị tư vấn đã phối hợp chuẩn bị nội dung đề án một cách bao quát về nội dung, bố cục, cách thức thực hiện. Đơn vị tư vấn đã bám sát số liệu từ các cơ quan, ban, ngành để có cái nhìn khách quan trên tất cả các lĩnh vực; căn cứ vào định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho rằng, đề án cần có sự phân tích, đánh giá số liệu một cách tổng quát; có sự dự báo trên cơ sở mục tiêu, căn cứ cụ thể, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Qua đó, các giải pháp đưa ra để thực hiện phải mang tính nền tảng, phải có phụ lục kèm theo để triển khai đề án. Đặc biệt phải có những giải pháp cụ thể cho từng ngành, lĩnh vực.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đề nghị Sở LĐ-TB&XH, đơn vị tư vấn cần làm rõ hai vấn đề: về nguồn lao động phục vụ cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương và nguồn lao động chất lượng cao khi xây dựng đề án. Bên cạnh đó, các cơ quan, ban, ngành và địa phương cần xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện. Đồng thời, có sự tính toán cụ thể, chi tiết về nguồn lực khi triển khai thực hiện đề án trong các giai đoạn…

Tại hội thảo

 
 
 
 
 
www.thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.798.187
Truy cập hiện tại 1.342