Tìm kiếm tin tức
Nhiều chính sách “mở” về gói hỗ trợ lao động gặp khó khăn do đại dịch
Ngày cập nhật 08/11/2021

TTH - Nhằm gỡ vướng và đơn giản hóa một số điều kiện, thủ tục để giúp người lao động (NLĐ), người sử dụng lao động (NSDLĐ) dễ dàng tiếp cận, hưởng gói chính sách hỗ trợ khắc phục khó khăn do đại dịch COVID-19, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết (NQ) 126 sửa đổi, bổ sung NQ số 68 ngày 01/7/2021. Ông Hồ Dần, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) có cuộc trao đổi với Báo Thừa Thiên Huế xung quanh nội dung này.

NQ126 có những điểm mới, khác gì so với NQ68, thưa ông?

Ngày 8/10/2021, Chính phủ ban hành NQ số 126 sửa đổi, bổ sung NQ số 68 quy định về một số chính sách hỗ trợ NLĐ và NSDLĐ gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 với một số điểm mới cơ bản. Thứ nhất, giảm điều kiện đối với chính sách tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất. Theo đó, điều kiện để tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất là có số lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bị giảm 10% (thay vì 15%) so với tháng 1 năm 2021 (thay vì tháng 4 năm 2021).

Thứ hai, mở rộng đối tượng đối với nhóm chính sách hỗ trợ NLĐ: tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; chính sách hỗ trợ NLĐ ngừng việc và chính sách hỗ trợ NLĐ chấm dứt hợp đồng lao động.

Điểm mới thứ ba là bổ sung trường hợp NLĐ phải điều trị COVID-19, cách ly y tế, trong các khu vực bị phong tỏa, không thể đến địa điểm làm việc do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19; do NSDLĐ bị tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 hoặc có trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm sản xuất, kinh doanh (SXKD) trên địa bàn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc của Chỉ thị số 16/CT-TTg hoặc bố trí lại sản xuất, lao động để phòng, chống dịch COVID-19 được hưởng chính sách hỗ trợ.

Thêm một điểm mới nữa là bổ sung quy định hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/người đối với đối tượng F0 hoặc F1 là người cao tuổi và người khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng theo quy định tại khoản 5 và khoản 6 Điều 5 của Nghị định số 20 ngày 15/3/2021 của Chính phủ.

NQ126 quy định bỏ điều kiện hộ kinh doanh có đăng ký thuế và quy định rõ việc hỗ trợ hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh và có trong danh bạ của cơ quan thuế; hộ SXKD nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, kinh doanh thời vụ, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký hộ kinh doanh phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 hoặc do có địa điểm kinh doanh trên địa bàn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc của Chỉ thị số 16/CT-TTg.

Đối với chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất, NQ mới này đã bỏ điều kiện về nợ xấu, tạo điều kiện cho NSDLĐ tiếp cận chính sách vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) để thực hiện trả lương ngừng việc và phục hồi sản xuất.

NQ126 có những quy định mở, tăng hay nới lỏng như thế nào đối với đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ?

NQ126 sửa đổi, bổ sung NQ68 đã có những quy định mở rộng về đối tượng thụ hưởng. Cụ thể, chính sách hỗ trợ NLĐ tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; chính sách hỗ trợ NLĐ ngừng việc và chính sách hỗ trợ NLĐ chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp thì theo quy định mới đã bổ sung hỗ trợ đối với NLĐ làm việc theo chế độ hợp đồng lao động cho tất cả NSDLĐ trong các loại hình SXKD, đơn vị sự nghiệp nhằm đảm bảo tránh bỏ sót đối tượng NLĐ.

Chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh được bổ sung quy định rõ các hộ SXKD nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, kinh doanh thời vụ, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký hộ kinh doanh, đồng thời đã bỏ điều kiện hộ kinh doanh phải có đăng ký thuế, tạo điều kiện thuận lợi hơn để thực hiện chính sách hỗ trợ đối với hộ kinh doanh.

Về thủ tục thì sao?

Theo dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục đơn giản hóa quy trình thủ tục hồ sơ hơn nữa, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng thụ hưởng chính sách.

Thế còn nguồn kinh phí thực hiện gói hỗ trợ này?

Nguồn kinh phí để thực hiện các chính sách hỗ trợ này được thực hiện từ nguồn ngân sách Trung ương và địa phương; từ nguồn của NHCSXH và của BHXH.

Việc thực hiện NQ126 đang được ngành và các địa phương, đơn vị triển khai như thế nào - thưa ông?

Thực hiện Công văn số 9845 ngày 19/10/2021 của UBND tỉnh về việc triển khai NQ số 126 về chính sách hỗ trợ NLĐ và NSDLĐ bị ảnh hưởng dịch COVID-19, ngày 21/10/2021, Sở LĐTB&XH đã phối hợp với BHXH tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, Ban Quản lý Khu Kinh tế, công nghiệp tỉnh và các cơ quan liên quan tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai NQ126 đến các phòng, đơn vị liên quan thuộc Sở LĐTB&XH; cán bộ, công chức của Phòng LĐTB&XH, BHXH các huyện, thị xã, TP. Huế. Các phòng LĐTB&XH huyện, thị xã, thành phố cũng đã báo cáo về tình hình, kết quả thực hiện NQ số 68, NQ số 84 ngày 26/8/2021 của HĐND tỉnh về việc quy định phân cấp nguồn kinh phí thực hiện NQ68 và chính sách hỗ trợ cho NLĐ không có giao kết hợp đồng lao động và một số đối tượng đặc thù khác gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

Sở LĐTB&XH đề nghị các phòng, cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục tham mưu đẩy nhanh hơn nữa công tác rà soát, thẩm định đối tượng, giải quyết các thủ tục một cách nhanh chóng để tránh bỏ sót đối tượng, tránh nhầm lẫn. Qua đó, giúp NLĐ, DN vượt qua khó khăn trước mắt để ổn định, phát triển SXKD trong trạng thái bình thường mới.

Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế

Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.800.020
Truy cập hiện tại 1.786