Tìm kiếm tin tức
Đổi mới giáo dục phổ thông: Không thể dạy học theo phương pháp cũ
Ngày cập nhật 23/08/2021

Tiếp sau năm học 2020 - 2021 đối với lớp 1, năm học 2021 - 2022 chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới sẽ triển khai ở các lớp 2 và 6. Đổi mới GDPT, không thể dạy học theo phương pháp cũ.

Bổ sung cơ sở vật chất

Thầy giáo Phan Hữu Tùng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phú Bài 1 (TX. Hương Thủy) cho biết, chương trình mới được thiết kế nhiều hoạt động trong dạy học và yêu cầu tăng phòng tin học, mỹ thuật, khoa học, bài  tập cho giáo dục thể chất… Trường cũng gặp khó khăn khi vẫn còn nhiều phòng học xuống cấp. Ngoài ra, thiết bị dạy học thiếu thốn nhất định, đặc biệt thiết bị dạy học đi kèm sách giáo khoa điện tử hầu như chưa có.

Kết quả khảo sát các cơ sở giáo dục tiểu học ở Thừa Thiên Huế cho thấy, toàn tỉnh hiện có 2.396 phòng học, trong đó có 1.777 phòng học kiên cố, 593 phòng học bán kiên cố, 26 phòng học tạm và 419 phòng học phải nhờ, mượn và thuê. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học là các yếu tố quan trọng để thực hiện thành công chương trình GDPT mới.

Để đảm bảo nhu cầu dạy và học, theo tính toán của ngành giáo dục và đào tạo, cả tỉnh phải xây dựng mới 622 phòng học. Với các thiết bị phục vụ dạy học, toàn tỉnh cần mua sắm và bổ sung 1.904 bộ thiết bị dạy học tối thiểu, 4.708 bộ thiết bị dùng chung và 5.743 bộ bàn ghế học sinh. Tổng kinh phí lên tới hàng trăm tỷ đồng, không hề nhỏ trong điều kiện kinh tế địa phương còn nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, về cơ sở vật chất, các huyện, thị xã và thành phố Huế đã bố trí kinh phí để xây dựng phòng ốc thực hiện chương trình GDPT mới. Tuy nhiên, chỉ mới đủ cho lớp 1 và lớp 2 bố trí được phòng học dạy hai buổi ngày. Các lớp 3, 4 và 5 vẫn còn thiếu phòng học để học hai buổi/ngày, chưa nói đến chuyện thiếu thiết bị để phục  vụ chương trình sách giáo khoa (SGK) mới. Cũng theo ông Tân, tỉnh đã và đang yêu cầu phát huy tính chủ động của các trường trong huy động nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, phục vụ đổi mới chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.

Cơ hội cho giáo viên

Toàn tỉnh hiện có trên 5.000 giáo viên tiểu học thì có đến trên 98% có trình độ trên chuẩn. Hiện, tỷ lệ đứng lớp là 1,6 giáo viên/lớp ở bậc tiểu học; trong đó, có 100% trường học có giáo viên chuyên trách các môn giảng dạy các môn tin học, mỹ thuật, tiếng Anh, thể dục, âm nhạc. Đó là thuận lợi rất căn bản trong triển khai đổi mới chương trình giáo dục tiểu học.

Cùng với yêu cầu đổi mới giáo dục toàn diện và chuẩn bị cho việc triển khai chương trình GDPT mới, giáo viên là nhân tố quyết định thành công. Thực hiện chương trình GDPT năm 2018, toàn tỉnh sẽ tiến hành tổng rà soát hiện trạng, xác định nhu cầu theo lộ trình để sắp xếp, bố trí, sử dụng hiệu quả đội ngũ hiện có, đảm bảo đủ số lượng và cơ cấu; nghiêm túc đánh giá để có biện pháp đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ quản lý, giáo viên phù hợp; lựa chọn đội ngũ cán bộ, giáo viên cốt cán các môn học làm nòng cốt trong công tác bồi dưỡng và triển khai chương trình.

Trường tiểu học Phú Bài 1 (TX. Hương Thủy) đã chuẩn bị đội ngũ giáo viên dạy lớp 2 có đủ năng lực, phẩm chất để có kế hoạch bồi dưỡng và tập huấn. Hiệu trưởng Phan Hữu Tùng chia sẻ, chúng tôi khuyến khích giáo viên cập nhật các chương trình, kiến thức qua internet và các kênh tài liệu khác để tự rèn luyện, bồi dưỡng. Xã hội hóa trong sách giáo khoa thuận lợi khi giáo viên được tiếp cận với chính các tác giả viết sách giáo khoa để qua đó có cách nhìn về đổi mới chương trình cũng như tháo gỡ khó khăn trong dạy học.

Áp dụng chương trình GDPT mới, giáo viên sẽ thực hiện phương pháp dạy học mới, nghĩa là, sẽ phải dạy học tích cực, hướng dẫn học sinh hoạt động, tự tìm tòi kiến thức, phát triển kỹ năng vận dụng vào đời sống. Mỗi giáo viên phải cập nhật thường xuyên công nghệ thông tin để có thể ứng dụng vào môn học. Đây có thể là bước đột phá của thế hệ giáo viên trong thời đại 4.0.

Niềm tin vượt khó

Năm học 2020 -2021, ngành giáo dục Thừa Thiên Huế đứng trước 2 khó khăn và thách thức. Dịch COVID-19 hoành hành, nhiều cơ sở giáo dục bị trưng dụng làm các khu cách ly phòng,  chống dịch nên kế hoạch chương trình học dự kiến có nhiều thay đổi. TP. Huế mở rộng, nhiều cán bộ cốt cán sáp nhập vào các trường TP. Huế nên nhiều địa phương việc thiếu nguồn giáo viên để hỗ trợ các trường trong việc triển khai chương trình GDPT mới. Mặt khác là sự mất cân đối giữa các xã, phường trên địa bàn TP. Huế. Mật độ dân cư và tỷ lệ tăng dân số cơ học ở một số phường khiến trường lớp không đủ cho học sinh.

Chương trình GDPT mới triển khai trong năm học 2021 -2022 và chuẩn bị cho các năm học tiếp theo ở Thừa Thiên Huế đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết. Đổi mới GDPT, không thể dạy học theo phương pháp cũ.

Theo ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cùng với việc soát xét để bổ sung cơ sở vật chất phù hợp, tăng cường và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cần đặc biệt chú ý đến việc đổi mới trong việc tổ chức dạy học theo hướng phát huy tính chủ động, tích cực, tự học của học sinh thông qua việc thiết kế tiến trình dạy học thành các hoạt động học để thực hiện cả ở trên lớp và ngoài lớp học; thực hiện nghiêm túc các quy định đánh giá tiểu học theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh.

Đổi mới giáo dục gắn với đẩy mạnh và phát triển chuyển đổi số. Trước mắt, ngành giáo dục cần chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ triển khai công nghệ thông tin, đảm bảo chủ động dạy học trực tuyến trong điều kiện thực hiện giãn cách xã hội, phòng, chống dịch COVID-19.

Nguồn: báo Thừa Thiên Huế

Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.800.835
Truy cập hiện tại 1.987