Tìm kiếm tin tức
Gắn kết đầu vào tuyển sinh và đầu ra việc làm
Ngày cập nhật 23/08/2021

Song song với giải pháp đa dạng ngành, nghề tuyển sinh theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, hướng đến phát triển thành Đại học (ĐH) Quốc gia, ĐH Huế chú trọng gắn kết, giải quyết vấn đề đầu ra việc làm cho người học.

Đa dạng ngành nghề, phương thức tuyển sinh

Đến nửa đầu tháng 8/2021, ĐH Huế đã công bố kết quả sơ tuyển 2 đợt theo phương thức xét kết quả học tập ở cấp trung học phổ thông (học bạ) và kết quả sơ tuyển 2 đợt tuyển sinh ĐH hệ chính quy năm 2021 theo phương thức riêng của các đơn vị đào tạo trong ĐH Huế (đợt 1 và bổ sung đợt 1). Theo nhận định từ Hội đồng Tuyển sinh ĐH Huế, các đợt tuyển sinh vừa qua có kết quả khá tốt, nhiều ngành có mức điểm trúng tuyển theo phương thức xét học bạ khá cao, trong đó điểm chuẩn đợt 1 dao động từ 18 – 26 và bổ sung đợt 1 từ 18 – 25.

Năm nay, ĐH Huế tuyển sinh khoảng 145 ngành, với chỉ tiêu dự kiến gần 13.000 thí sinh, trong đó có 9.055 chỉ tiêu theo phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) và 3.810 chỉ tiêu xét theo phương thức khác. Đáng chú ý, ĐH Huế áp dụng tuyển sinh trình độ ĐH hệ chính quy đến 5 phương thức: Xét tuyển dựa vào kết quả học bạ; xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021; xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021 hoặc dựa vào điểm học bạ kết hợp với thi tuyển năng khiếu (đối với các ngành năng khiếu); xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy chế tuyển sinh hiện hành và xét tuyển theo phương thức riêng của các đơn vị đào tạo trong ĐH Huế.

Theo TS. Nguyễn Công Hào, Trưởng ban Đào tạo và Công tác sinh viên ĐH Huế, trước định hướng phát triển ĐH Huế đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, phấn đấu sớm trở thành ĐH Quốc gia theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, ĐH Huế tiếp tục đa dạng ngành nghề và chú trọng các nhóm ngành mũi nhọn, có thế mạnh với những nét đặc sắc riêng. Năm nay, ĐH Huế tuyển sinh 2 ngành mới ở Khoa Quốc tế là truyền thông đa phương tiện và kinh tế tài nguyên thiên nhiên, đồng thời vẫn duy trì các ngành/nhóm ngành/khối ngành từ sư phạm, y dược, nông lâm ngư, du lịch, kinh tế, luật, ngoại ngữ, khoa học cơ bản, nghệ thuật… theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực.

Đại diện Trường ĐH Nông Lâm, ĐH Huế cho biết, ngoài những ngành cấp bằng kỹ sư, nhà trường còn đào tạo và cấp bằng bác sĩ thú y (ngành thú y) và bằng cử nhân (các ngành: khuyến nông, phát triển nông thôn, kinh doanh và khởi nghiệp nông thôn, bất động sản, sinh học ứng dụng), tạo cơ hội để thí sinh lựa chọn.

Bên cạnh tính đa ngành, đa lĩnh vực ĐH Huế tập trung đầu tư cho nhiều nhóm ngành được xem là mũi nhọn và có thế mạnh như công nghệ thông tin (CNTT), du lịch, y dược… Chỉ xét riêng với nhóm ngành CNTT, cùng với Khoa CNTT (Trường ĐH Khoa học), ĐH Huế có nhiều đơn vị đào tạo một số ngành CNTT là Trường ĐH Sư phạm, Trường ĐH Kinh tế, Khoa Kỹ thuật và Công nghệ… Theo TS. Trần Thanh Lương, Trưởng phòng Đào tạo và Công tác sinh viên Trường ĐH Khoa học, năm nay, trường tuyển đến 500 chỉ tiêu nhóm ngành CNTT, trong đó có 400 chỉ tiêu của ngành CNTT và 100 chỉ tiêu ngành kỹ thuật phần mềm (đào tạo theo cơ chế đặc thù).

Kết nối, mở rộng cơ hội việc làm

Song song với việc đa dạng ngành nghề đầu vào, ĐH Huế tiếp tục kết nối, mở rộng cơ hội việc đầu ra cho sinh viên thông qua nhiều hoạt động kết nối doanh nghiệp, các tổ chức, đơn vị nhằm tăng cơ hội cho người học cọ xát với môi trường làm việc doanh nghiệp trong thực hành, thực tập.

Theo đại diện ĐH Huế, qua khảo sát tỷ lệ việc làm, trung bình chung có khoảng 80% sinh viên có việc làm sau 1 năm ra trường, trong đó, trong mỗi trường lại có những ngành có tỷ lệ việc làm cao và những ngành có cơ hội việc làm thấp hơn. Vì vậy, ĐH Huế và các trường chú trọng gắn kết với nhà tuyển dụng từ hoạt động xây dựng chương trình theo nhu cầu thị trường lao động, tổ chức đào tạo, thực tế, thực tập và mời doanh nghiệp tham gia vào quá trình đánh giá sinh viên.

PGS.TS. Trần Hữu Tuấn, Hiệu trưởng Trường Du lịch - ĐH Huế cho biết, cùng với hình thức đào tạo truyền thống, trường cũng tuyển sinh các chương trình đào tạo ĐH theo cơ chế đặc thù của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chương trình đào tạo theo cơ chế đặc thù phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường với doanh nghiệp và các chuyên gia trong quá trình đào tạo, nhằm tăng khả năng thích ứng nhanh với nhu cầu công việc ngay sau khi sinh viên tốt nghiệp, bằng việc tăng thời gian thực hành, thực tập tối thiểu là 50% tổng thời lượng chương trình đào tạo.

Theo TS. Nguyễn Quang Phục, Trưởng phòng Công tác sinh viên – Thư viện Trường ĐH Kinh tế, ĐH Huế, một trong các giải pháp được áp dụng khá hiệu quả để giải quyết vấn đề việc làm cho sinh viên sau khi ra trường là phát triển mạng lưới doanh nghiệp liên kết với nhà trường thông qua các ký kết biên bản ghi nhớ. Bên cạnh đó, nhà trường cũng dựa vào nguồn lực cựu sinh viên, nhất là các trường hợp đã thành lập doanh nghiệp hoặc có vai trò tuyển dụng, giới thiệu việc làm cho sinh viên. Trong các đợt trao bằng tốt nghiệp, cũng kết hợp tổ chức ngày hội tuyển dụng để sinh viên nắm bắt cơ hội việc làm.

Nguồn: báo Thừa Thiên Huế

Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.800.699
Truy cập hiện tại 1.973