Tìm kiếm tin tức
ASEM: Sức hấp dẫn, vị thế và tiềm năng hợp tác ngày càng gia tăng
Ngày cập nhật 02/03/2021

Nhân dịp này, đồng chí Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao đã chia sẻ bài viết “Diễn đàn Hợp tác Á-Âu: Sức hấp dẫn, vị thế và tiềm năng hợp tác ngày càng gia tăng”.

Kể từ khi chính thức thành lập ngày 1/3/1996, Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM) đã trở thành cơ chế hợp tác liên khu vực có quy mô lớn nhất thế giới, với sự tham gia của 53 thành viên từ hai châu lục Á-Âu. ASEM đã khẳng định vai trò quan trọng đối với hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển thịnh vượng tại hai châu lục, đóng góp thiết thực định hình những xu thế lớn và cục diện thế giới trong thế kỷ 21.

Vị thế và tiềm năng hợp tác ngày càng gia tăng

Là khuôn khổ đối tác toàn diện kết nối Á-Âu, ASEM đã phát huy vai trò không thể thiếu trong việc tăng cường gắn kết, mở rộng không gian hợp tác, phát triển và liên kết giữa các quốc gia, doanh nghiệp và người dân hai châu lục. Trước những chuyển biến nhanh chóng của tình hình thế giới, sự phát triển mạnh của những xu thế mới, nhất là sự bùng nổ khoa học công nghệ, với bề dày hợp tác trải qua một phần tư thế kỷ, sức hấp dẫn, vị thế và tiềm năng hợp tác của ASEM ngày càng gia tăng.

Trước hết, ASEM đã trở thành cơ chế có sự tham gia của nhiều quốc gia có vai trò và tiếng nói quan trọng trong việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định cũng như trong quản trị kinh tế, xã hội khu vực và toàn cầu. Với 4/5 ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, 12 thành viên của Nhóm G20; chiếm khoảng 60% dân số, hơn 70% thương mại hàng hóa và thương mại dịch vụ, 60% FDI thế giới, đóng góp khoảng 65% GDP và 75% du lịch toàn cầu,… tinh thần đối thoại, phối hợp chính sách và hành động trong khuôn khổ ASEM có ý nghĩa then chốt, góp phần thúc đẩy hòa bình, hợp tác, xây dựng trật tự thế giới dựa trên luật lệ, hệ thống quản trị toàn cầu hiệu quả, công bằng, dân chủ, giải quyết các thách thức và triển khai các cam kết toàn cầu. Trong bối cảnh thế giới đối mặt với những thách thức chưa từng có, sức ép phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng ngày càng cấp thiết, sự phối hợp chính sách và hành động của những cơ chế hợp tác đa phương quy mô lớn như ASEM là hết sức cần thiết.

Thứ hai, với những chương trình hợp tác hiệu quả, thiết thực, ASEM tiếp tục khẳng định vai trò hàng đầu thúc đẩy kết nối Á-Âu trên tất cả các lĩnh vực. Các chương trình hợp tác và đối thoại trong ASEM đã tạo hệ sinh thái thuận lợi cho trao đổi chính trị, văn hóa, thương mại và đầu tư giữa các thành viên. Liên kết kinh tế, thương mại Á-Âu trở thành một trong những xương sống góp phần định hình nền kinh tế toàn cầu. Kết nối văn hóa, giao lưu nhân dân trở thành một trụ cột hợp tác sống động, với nhiều mạng lưới, diễn đàn, cơ chế giao lưu thường niên giữa các nghị viện, doanh nghiệp, các chuyên gia, lãnh đạo trẻ, thanh niên và người dân. Chương trình hành động ASEM về kết nối được thông qua tại Hội nghị Cấp cao lần thứ 12 tháng 11/2018 với 6 lĩnh vực ưu tiên về kết nối chính sách, kết nối bền vững, thương mại và đầu tư, kết nối số, kết nối con người và ứng phó với các thách thức an ninh đã tạo khuôn khổ quan trọng làm sâu sắc hơn nữa quan hệ kết nối Á-Âu trong những thập niên tới.

Thứ ba, với vai trò của châu Á và châu Âu là những động lực chính của tăng trưởng kinh tế và đổi mới sáng tạo trong thế kỷ 21, ASEM có tiềm năng và cơ hội để góp phần hiện thực hóa các mục tiêu toàn cầu về phát triển bền vững, bao trùm trên nền tảng sáng tạo và số hóa. Chính sự đa dạng, linh hoạt về hình thức hợp tác, cơ chế đối thoại mở là thế mạnh để ASEM kịp thời nắm bắt, xử lý và thích ứng với những xu thế mới, vấn đề mới.

Thứ tư, ASEM tiếp tục tạo khuôn khổ hữu hiệu để thúc đẩy và làm sâu sắc các quan hệ song phương và đa phương giữa hai khu vực Á-Âu. Cơ chế đối thoại và hợp tác thường xuyên đã góp phần thúc đẩy những lợi ích và quan tâm chung trên tinh thần đối tác bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi. Đây là cơ sở quan trọng để quan hệ đối tác giữa hai châu lục ngày càng được củng cố, trong đó tiêu biểu và gần đây nhất là việc nâng tầm lên Đối tác chiến lược giữa EU và ASEAN tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 tháng 11/2020 tại Hà Nội. Việc nâng tầm Đối tác chiến lược giữa hai tổ chức khu vực quan trọng, đều là các thành viên ASEM, đã tạo động lực mới đẩy mạnh hơn nữa đan xen lợi ích, gắn kết Á-Âu trên cơ sở chia sẻ các giá trị chung.

Có thể khẳng định, trong cục diện thế giới đang điều chỉnh với nhiều xu thế mới, ASEM tiếp tục khẳng định tiềm năng to lớn và đứng trước nhiều cơ hội để nâng cao hơn nữa những giá trị cốt lõi của Diễn đàn. Một ASEM ngày càng gắn kết bởi các quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, các thỏa thuận, hiệp định thương mại và đầu tư giữa các thành viên là nền tảng cho hợp tác Á-Âu, đóng góp củng cố chủ nghĩa đa phương và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.  

Nâng cao hơn nữa hiệu quả và khả năng thích ứng nhằm tăng cường kết nối liên khu vực và gia tăng vị thế toàn cầu

Trên cơ sở những kết quả và thành tựu nổi bật trong 25 năm qua, Diễn đàn ASEM đang bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ để đáp ứng những yêu cầu mới. Trong đó, cần thúc đẩy một số định hướng như sau:

Một là, làm sống động hơn nữa hợp tác ASEM, xây dựng tầm nhìn quan hệ đối tác Á-Âu toàn diện, lấy người dân làm trung tâm trong thế kỷ 21. ASEM cần có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong việc đề cao luật pháp quốc tế và các nguyên tắc ứng xử chung nhằm duy trì hòa bình, an ninh, ngăn ngừa xung đột, bảo đảm ổn định và thịnh vượng ở hai khu vực; thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện, năng động vì sự phát triển mạnh mẽ, cân bằng, bền vững, bao trùm và sáng tạo; không ngừng tăng cường gắn kết và chia sẻ nhận thức chung giữa nhân dân hai châu lục.

Hai là, nâng cao tính thiết thực, hiệu quả của hợp tác ASEM, triển khai đồng bộ ba trụ cột hợp tác chính trị, kinh tế - phát triển và xã hội - văn hóa. Đối thoại chính trị Á-Âu cần tiếp tục là nền tảng cho hòa bình và ổn định của thế giới, thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin, ngoại giao phòng ngừa và giải quyết hiệu quả các thách thức toàn cầu. Trong trụ cột kinh tế - phát triển, yêu cầu cấp bách là thúc đẩy các động lực mới cho tăng trưởng, tiếp tục củng cố hệ thống quản trị kinh tế toàn cầu và hệ thống thương mại đa phương. Đặt ưu tiên cao cho việc hỗ trợ các thành viên trong quá trình cải cách cơ cấu kinh tế, thúc đẩy liên kết khu vực và tiểu vùng, kết nối hạ tầng, tạo nền tảng cho kinh tế số, kết nối số, chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực số, thu hẹp khoảng cách phát triển, nâng cao năng lực cho các thành viên đang phát triển. Giao thoa giữa các nền văn hóa, văn minh, giao lưu nhân dân, du lịch nên đề cao tính hài hòa, bền vững, hướng tới thực hiện hiệu quả an sinh xã hội bao trùm.

Ba là, có cách tiếp cận tổng thể, hài hòa giữa tính chất đối thoại mở, không chính thức của ASEM với việc nâng cao hiệu quả hoạt động, hướng tới các kết quả cụ thể. Trong đó, tầm nhìn và các định hướng lớn cần gắn với chương trình hành động cụ thể và khả thi; việc thúc đẩy, triển khai các sáng kiến hợp tác cần gắn với thu hẹp khoảng cách phát triển và xây dựng năng lực.

Việt Nam - thành viên năng động và trách nhiệm trong ASEM

Việc tham gia với tư cách thành viên sáng lập ASEM năm 1996 đánh dấu bước triển khai quan trọng chủ trương đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ của Việt Nam. Trong 25 năm qua, chúng ta đã đóng góp hết sức mình, năng động, trách nhiệm, góp phần tạo dựng những dấu mốc quan trọng trong chặng đường phát triển của ASEM, nâng cao vai trò, vị thế của Diễn đàn.

Chúng ta được đánh giá là một trong những thành viên tích cực nhất trong khởi xướng, đề xuất và thúc đẩy nhiều ý tưởng, nội dung hợp tác mới, trực tiếp triển khai và đồng bảo trợ gần 60 sáng kiến trên các lĩnh vực. Thông qua các sáng kiến hợp tác, Việt Nam đã cùng các thành viên ASEM đề cao lợi ích của hòa bình, an ninh và ổn định, giải quyết những vấn đề cấp bách, thúc đẩy quan tâm chung. Chúng ta đã thúc đẩy nhận thức chung và sự ủng hộ của các thành viên ASEM đối với nỗ lực của ASEAN và Việt Nam về duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và giải quyết tranh chấp tại khu vực trên cơ sở luật pháp quốc tế. Chúng ta đã kêu gọi sự ủng hộ và hợp tác hiệu quả của ASEM trong giải quyết các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, ứng phó thiên tai… Việt Nam là nước khởi xướng và duy trì cơ chế hợp tác đầu tiên trong ASEM về Đối thoại phát triển bền vững, trong đó trọng tâm là quản lý bền vững nguồn nước, hợp tác tiểu vùng các nước ven sông Mekong và Danube, góp phần nâng hợp tác tiểu vùng Mekong lên tầm liên khu vực từ năm 2011. Có thể nói, tham gia đóng góp thúc đẩy hợp tác ASEM không chỉ giúp nâng cao vai trò, vị thế quốc tế của Việt Nam mà còn có ý nghĩa hết sức quan trọng góp phần thúc đẩy các lợi ích về an ninh và phát triển của đất nước.

Với bước chuyển tư duy đối ngoại đa phương sang “chủ động đóng góp, xây dựng và định hình”, Việt Nam đã đưa ra nhiều đề xuất giải quyết những vấn đề then chốt của ASEM như mở rộng thành viên, củng cố cơ chế, nâng cao hiệu quả hoạt động, thúc đẩy các Nhóm hợp tác chuyên ngành... Việc đảm nhiệm thành công nhiều trọng trách như chủ nhà Hội nghị Cấp cao ASEM năm 2004, chủ nhà Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM năm 2009, Điều phối viên nhiệm kỳ 1999-2000 và 2001-2002, Phó Giám đốc Điều hành Quỹ Á-Âu giai đoạn 2008-2012,... đã giúp chúng ta tham gia xây dựng và thúc đẩy nhiều định hướng, chiến lược quan trọng của Diễn đàn.

Trên nền tảng hợp tác ASEM, quan hệ song phương giữa Việt Nam và các thành viên ASEM ngày càng được đẩy mạnh và nâng tầm. Các thành viên ASEM hiện chiếm 23 trong số 30 đối tác chiến lược và đối tác toàn diện của Việt Nam; đóng góp khoảng 70% đầu tư trực tiếp nước ngoài, 70% giá trị thương mại quốc tế và 80% lượng khách du lịch quốc tế của Việt Nam; là đối tác của 15 trong 17 hiệp định thương mại tự do mà chúng ta đã ký hoặc đang đàm phán. Hợp tác song phương giữa Việt Nam với Liên bang Nga, Liên minh châu Âu, các đối tác và bạn bè truyền thống châu Âu tiếp tục phát triển nhanh chóng, ngày càng đi vào chiều sâu, toàn diện, trên tinh thần đối tác tin cậy, hữu nghị, cùng chia sẻ tầm nhìn lâu dài, cùng đóng góp cho hòa bình, hợp tác và phát triển ở hai khu vực và trên thế giới. Các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam với Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) có hiệu lực tháng 10/2016 và FTA Việt Nam - EU có hiệu lực tháng 8/2020 đánh dấu những mốc phát triển mới trong quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác châu Âu, đồng thời là minh chứng sinh động khẳng định quyết tâm của các nước Á-Âu trong đẩy mạnh kết nối, liên kết kinh tế khu vực và toàn cầu.

Trong giai đoạn hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả, đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, với những tầm nhìn và khát vọng phát triển mới, tăng cường quan hệ đối tác Á-Âu, trong đó có hợp tác ASEM, càng có ý nghĩa quan trọng đối với hòa bình, an ninh, ổn định, tăng trưởng kinh tế và nâng cao vị thế quốc tế của đất nước. Chúng ta sẽ tiếp tục đồng hành cùng các thành viên ASEM nâng tầm hợp tác của Diễn đàn, chung tay xây dựng quan hệ đối tác Á-Âu ngày càng năng động, gắn kết, vì sự phát triển thịnh vượng của hai châu lục và trên thế giới./.

 

Chinhphu.vn

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.807.247
Truy cập hiện tại 1.130