Tìm kiếm tin tức
Dấu ấn từ những chỉ đạo quyết liệt, sâu sát với Đại hội Đảng các cấp
Ngày cập nhật 25/12/2020
Những chỉ đạo quyết liệt, sâu sát, đúng thời điểm đã góp phần làm nên thành công đại hội đảng bộ các cấp.

Năm 2020, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, thiên tai, bão, lũ diễn biến phức tạp và phải thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng, đột xuất, nhưng với quyết tâm chính trị rất cao, đại hội đảng bộ các cấp đã hoàn thành sớm hơn so với một số nhiệm kỳ trước và đạt kết quả tốt, bảo đảm tuyệt đối an toàn, tiết kiệm và để lại nhiều dấu ấn. Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến thành công của đại hội đảng bộ các cấp không thể không nhắc đến những chỉ đạo quyết liệt, sâu sát. Từ trước tới nay, chưa có kỳ đại hội nào mà Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và đặc biệt là Tổng Bí thư tập trung chỉ đạo cao độ như lần này.

Chỉ thị 35-CT/TW: Kim chỉ nam cho Đại hội Đảng các cấp

Gần 1 năm trước khi Đại hội cấp cơ sở được tiến hành, ngày 30/5/2019, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 35-CT/TW về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Chỉ thị 35 nêu rõ những yêu cầu của Bộ Chính trị về công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, báo cáo chính trị của Ban chấp hành đảng bộ các cấp, công tác nhân sự, đoàn đại biểu dự đại hội đảng bộ cấp trên, yêu cầu hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị của địa phương trong quá trình chuẩn bị và tiến hành đại hội… Chỉ thị cũng nhấn mạnh độ tuổi tham gia cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; Cơ cấu, số lượng cấp ủy viên, ủy viên thường vụ và phó bí thư cấp ủy; Quy trình nhân sự cấp ủy; Thực hiện bầu cử trong đại hội…

Đại hội đảng bộ cấp cơ sở bắt đầu từ tháng 4/2020.

Đại hội đảng bộ cấp cơ sở bắt đầu từ tháng 4/2020.

Về thời gian tiến hành đại hội đảng bộ các cấp, Chỉ thị nhấn mạnh: Đại hội đại biểu đảng bộ cơ sở không quá 2 ngày, bắt đầu từ tháng 4/2020, hoàn thành trước ngày 30/6/2020. Đại hội đại biểu đảng bộ cấp huyện và tương đương không quá 3 ngày; hoàn thành trước ngày 31/8/2020. Đại hội đại biểu đảng bộ trực thuộc Trung ương không quá 4 ngày, hoàn thành trước ngày 31/10/2020.

Đặc biệt, Chỉ thị 35 nêu rõ: Kiên quyết sàng lọc, không để lọt vào cấp ủy khóa mới những người bản lĩnh chính trị không vững vàng; phẩm chất, năng lực, uy tín giảm sút; thiếu gương mẫu, mất đoàn kết, cục bộ, bè phái, cơ hội, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh; có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; chạy chức, chạy quyền, tham nhũng, tiêu cực, "lợi ích nhóm"; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế, quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước, tiêu chuẩn chính trị và những điều đảng viên không được làm.

Có thể nói, việc ban hành sớm Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị cùng hàng loạt văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các ban tham mưu của Đảng với những nội dung cụ thể, rõ ràng, sát thực tế đã giúp các cấp uỷ, tổ chức đảng bảo đảm việc chuẩn bị và tổ chức đại hội kịp thời, đồng bộ.

3 bài viết quan trọng của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng

Cùng với việc ban hành các văn bản chỉ đạo, trong hơn 1 năm qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có ba bài viết quan trọng với những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt, bao quát, toàn diện và sâu sắc, qua đó tạo được sự thống nhất cao trong các cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên trong việc chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp.

Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 35 về Đại hội Đảng bộ các cấp, ngày 6/6/2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có bài viết đầu tiên chỉ đạo “Chuẩn bị và tổ chức thật tốt đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”.

Bài viết dành nhiều nội dung để nhìn lại những thành tựu đạt được trong nhiệm kỳ khóa XII, những bài học kinh nghiệm được rút ra, đặt ra phương hướng, nhiệm vụ của nhiệm kỳ Đại hội XIII và giai đoạn sắp tới.  

Trong bài viết này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu 5 nhiệm vụ lớn đối với các cấp ủy, tổ chức đảng phải thực hiện. Trong đó, nhiệm vụ đầu tiên là Tăng cường vai trò lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của cấp ủy, từ chuẩn bị nội dung các văn kiện, phương án nhân sự, đến chuẩn bị các điều kiện phục vụ đại hội. Các nhiệm vụ tiếp theo là xây dựng báo cáo chính trị - văn kiện trung tâm của mỗi đại hội, báo cáo kiểm điểm của cấp uỷ, tổ chức tốt việc thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện của đại hội cấp trên trực tiếp và Đại hội XIII của Đảng, làm tốt hơn nữa công tác cán bộ và tích cực, chủ động chuẩn bị nhân sự cấp ủy, bảo đảm cho sự thành công của đại hội đảng bộ các cấp.

Tiếp đó, sau Hội nghị cán bộ toàn quốc ngày 23/4/2020 và Hội nghị Trung ương lần thứ 12 (5/2020) bàn về công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã có bài viết chỉ đạo quan trọng thứ hai: “Một số vấn đề cần đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng”.

Bài viết nhấn mạnh: Công tác nhân sự Đại hội là vô cùng quan trọng nhưng cũng hết sức phức tạp, khó khăn, nặng nề, đòi hỏi Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cả hệ thống chính trị phải làm việc với tinh thần trách nhiệm rất cao, với quyết tâm, nỗ lực rất lớn, có cách làm thật sự công tâm, khách quan, khoa học, đặt lợi ích của quốc gia - dân tộc, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết.

Trong bài viết này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu đối với Ban Chấp hành Trung ương khóa mới: Đó là những người  phải vừa có Đức vừa có Tài, trong đó Đức là gốc; Kiên quyết không bỏ sót những người thật sự có đức, có tài, đủ tiêu chuẩn; đồng thời không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII những người có một trong các khuyết điểm như: Bản lĩnh chính trị không vững vàng; không kiên định đường lối, quan điểm của Đảng; có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, tham nhũng, quan liêu, cục bộ; Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, mị dân, chuyên quyền, độc đoán…

Tiếp đó, tại Hội nghị Trung ương 13 (cuối tháng 8/2020), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng lại có bài viết thứ ba nhan đề: “Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới”.

Bài viết nhấn mạnh: Tư tưởng chiến lược phát triển tổng thể của đất nước ta trong giai đoạn tới là phát triển nhanh và bền vững, bảo đảm gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó: Phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên.

Động lực và nguồn lực cho phát triển đất nước trong giai đoạn mới là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hoá, con người Việt Nam; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.

Thành lập 12 đoàn công tác, làm việc với 67 đảng bộ trực thuộc Trung ương

Lần đầu tiên, Ban Bí thư thành lập 12 đoàn công tác do Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư làm trưởng đoàn. Các đoàn lần lượt tổ chức làm việc với 67 đảng bộ trực thuộc Trung ương, trực tiếp đánh giá tình hình thực tiễn, kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội của từng đảng bộ trong nhiệm kỳ 2015-2020.

Ngày 6/6/2020, Đoàn công tác của Ban Bí thư Trung ương Đảng do ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương làm trưởng đoàn đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh.

Ngày 6/6/2020, Đoàn công tác của Ban Bí thư Trung ương Đảng do ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương làm trưởng đoàn đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh.

Tiếp đó, ngay trước thềm đại hội đảng bộ trực thuộc Trung ương, tập thể Bộ Chính trị do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chủ trì tiếp tục làm việc với các Đảng bộ trực thuộc Trung ương, trực tiếp góp ý vào 3 nhóm nội dung: Dự thảo Báo cáo Chính trị của cấp ủy và dự thảo nghị quyết trình Đại hội Đảng bộ; dự thảo Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ và phương án nhân sự của cấp ủy.

Tại các cuộc làm việc này, Bộ Chính trị đã đưa ra những chỉ đạo sâu sát. Chẳng hạn, khi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Bộ Chính trị lưu ý, Hà Nội cần hướng tới trình độ phát triển ngang tầm khu vực và quốc tế; phân tích sâu hơn nguyên nhân của việc thành phố chưa tạo được các “đột phá lớn” cho phát triển kinh tế; làm rõ hơn việc thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển thủ đô (Luật thủ đô, Nghị quyết của Bộ Chính trị, của Quốc hội…).

Ngày 3/9/2020, tập thể Bộ Chính trị với Ban Thường vụ Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh.

Ngày 3/9/2020, tập thể Bộ Chính trị với Ban Thường vụ Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh.

Hay khi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị cho rằng, Thành phố cần có tầm nhìn dài hạn, định vị đúng tầm vóc trong khu vực Đông Nam Á; tiếp tục cụ thể hóa, thực hiện hiệu quả các nghị quyết, văn bản chỉ đạo của Trung ương đối với Thành phố; tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn cản trở sự phát triển kinh tế, xã hội như hạ tầng giao thông, nguồn nhân lực chất lượng cao, thủ tục hành chính, môi trường đầu tư, hợp tác, liên kết vùng.

Nhìn lại hơn một năm chuẩn bị và tổ chức Đại hội Đảng các cấp, chưa có kỳ đại hội đảng bộ các cấp nào mà Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và đặc biệt là Tổng Bí thư tập trung chỉ đạo, dồn nhiều công sức và tâm huyết như lần này. Đây là sự thay đổi mang tính lịch sử trong công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, đặt nền móng không chỉ cho một mà còn nhiều kỳ đại hội về sau.

Cũng chưa có một kỳ đại hội nào, đất nước phải đối mặt với nhiều thách thức như năm 2020 (thiên tai, dịch bệnh với những hậu quả nặng nề). Nhưng nhờ những chỉ đạo quyết liệt, nhạy bén, đúng thời điểm, sâu sát của Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã thành công tốt đẹp, để lại nhiều dấu ấn, trong cán bộ, đảng viên và nhân dân./.

 

VOV

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.807.186
Truy cập hiện tại 1.117