Tìm kiếm tin tức
Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2020
Ngày cập nhật 17/12/2020

Cụ thể, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp và tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết, bảo đảm triển khai đồng bộ, hiệu quả kế hoạch 2021 ngay từ đầu năm trong bối dịch COVID-19 còn diễn biến khó lường. Thực hiện nghiêm Công điện số 1699/CĐ-TTg ngày 02 tháng 12 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện phòng, chống dịch COVID-19, trong đó tiếp tục thực hiện chiến lược kiểm soát chặt chẽ nguồn lây từ bên ngoài, khoanh vùng dập dịch triệt để, điều trị hiệu quả ở trong nước, thần tốc, quyết liệt hon nữa để truy vết, phát hiện và xử lý các ca lây nhiễm, tạo điều kiện cho các hoạt động kinh tế - xã hội diễn ra bình thường, không hoang mang nhưng không được chủ quan. Tăng cường công tác quản lý giá cả, bình ổn giá, đảm bảo cung cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu dùng cao vào dịp cuối năm; phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; xử lý nghiêm tình trạng gian lận nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, lợi dụng xuất xứ của Việt Nam để xuất khẩu sang nước thứ ba, không để ảnh hưởng đến hoạt động thương mại và uy tín của nước ta.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng chủ động, linh hoạt, đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là đối với các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19.

Đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng

Chỉnh phủ yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; khai thác tốt các thị trường còn dư địa và các thị trường nước ta đã ký kết các FTA, nhất là CPTPP, EVFTA. Chủ động phổ biến thông tin rộng rãi về Hiệp định RCEP cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp thuộc ngành, lĩnh vực sản xuất xuất khẩu có cơ hội thuận lợi hoặc bị tác động. Chủ động xây dựng kịch bản, giải pháp về chính sách thương mại ứng phó với sự thay đổi chính sách của các đối tác lớn. Tiếp tục đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng nội địa bằng các biện pháp phù hợp.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, chỉ đạo sản xuất nông nghiệp và triển khai các giải pháp ứng phó, bảo vệ sản xuất, hạn chế thiệt hại do mưa lũ, rét đậm, rét hại, hạn hán, xâm nhập mặn có thể xảy ra; trồng, bảo vệ rừng, chỉ đạo công tác phòng chống cháy rừng. Tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp kiểm soát tốt dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, gia súc, gia cầm; phối hợp Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông sản, đồng thời khai thác tốt thị trường trong nước. Chủ động có biện pháp phù hợp với các cam kết quốc tế để bảo vệ xuất khẩu các sản phẩm gỗ của Việt Nam. Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng chương trình, đề án cụ thể triển khai chủ trương trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới.

Bảo đảm an toàn giao thông dịp Tết

Bộ Giao thông vận tải tập trung đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng các dự án, hạ tầng giao thông trọng điểm. Có giải pháp khắc phục và hạn chế tình hình sạt lở các tuyến đường giao thông, bảo đảm an toàn cho các phương tiện, tàu thuyền khi có bão lũ. Phối hợp với Bộ Công an có phương án bảo đảm an toàn giao thông dịp cuối năm, nhất là dịp Năm mới 2021, Tết Nguyên đán Tân Sửu sắp tới.

Bộ Y tế tiếp tục theo dõi sát tình hình dịch COVID-19; sớm có phương án về việc sản xuất, mua vắc-xin, báo cáo Thường trực Chính phủ xem xét, quyết định. Chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vả các bộ, cơ quan liên quan sớm nghiên cứu, xây dựng các chính sách và mức hỗ trợ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 16 tuổi theo Luật Trẻ em, đặc biệt đối với các trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ.

Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục có giải pháp hiệu quả thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tranh thủ cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ vào cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Kiện toàn bộ máy chính quyền

Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan đề xuất phương án khắc phục sự chồng chéo, giao thoa giữa chức năng, nhiệm vụ của các bộ, cơ quan ngang bộ để hoàn thiện Đề án cơ cấu Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026; phối hợp với các cơ quan, địa phương chuẩn bị cho công tác bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp sắp tới và công tác kiện toàn bộ máy chính quyền tại các địa phương.

Bộ Công an chủ động đấu tranh, ngăn chặn âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, phản động; bảo đảm tuyệt đối an toàn các sự kiện lớn của đất nước. Tích cực triển khai các giải pháp phòng, chống tội phạm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là các hành vi làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, chiếm đoạt hàng cứu trợ, tín dụng đen, xuất nhập cảnh trái phép... Tăng cường công tác phòng, chống cháy nổ, bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Tại Nghị quyết, Chính phủ cũng quyết nghị cho phép các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đến ngày 30 tháng 9 năm 2020 giải ngân dưới 60% kế hoạch được giao đầu năm tiếp tục giải ngân số vốn còn lại trong phạm vi tổng số vốn năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ giao.

Chính phủ thống nhất đề nghị của Bộ Tài chính về việc hàng hóa nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu mà doanh nghiệp đưa một phần nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để thuê doanh nghiệp khác gia công hoặc thuê doanh nghiệp khác gia công một hoặc một số công đoạn của sản phẩm và đã nhận lại bán thành phẩm để tiếp tục sản xuất xuất khẩu hoặc nhận lại thành phẩm để xuất khẩu toàn bộ ra nước ngoài thì được miễn thuế nhập khẩu theo quy định tại Khoản 7 Điều 16 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13.

 

Chinhphu.vn

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.807.558
Truy cập hiện tại 1.191