Tìm kiếm tin tức
Chủ tịch nước Lê Đức Anh với vấn đề “ruộng đất cho dân cày”
Ngày cập nhật 03/12/2020
Trên cương vị Cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng, Đại tướng Lê Đức Anh có nhiều thời gian quan tâm đến vấn đề ruộng đất cho dân hơn, thể hiện rõ nhất trong chuyến công tác tới hai tỉnh miền Tây Nam Bộ trong hai ngày 18 và 19/8/1998.

Năm 1993, tôi được lãnh đạo Đài cử làm phóng viên “tháp tùng” Chủ tịch nước Lê Đức Anh. Còn nhớ một lần có việc nông dân ở một huyện ngoại thành Hà Nội phản đối việc xây sân gôn ở địa phương, có ý kiến đề nghị “cưỡng chế”. Ông không cho làm và nói rằng: Ruộng đất ở đó cha ông chúng ta phải đổ máu mới giành được, không thể tự dưng mà lấy đi được… Là Chủ tịch nước, đi đến địa phương nào thăm dân, ông đều hỏi kỹ chuyện làm ăn. Trong chuyến thăm 3 tỉnh Tây Nguyên mấy năm sau, ông đã lưu ý lãnh đạo các tỉnh về việc không có đất canh tác cho bà con dân tộc thiểu số.

Nhà báo Trương Cộng Hòa (áo đỏ, đứng thứ hai từ trái sang) tháp tùng ông Lê Đức Anh trong một chuyến công tác (Ảnh do tác giả cung cấp)

Nhà báo Trương Cộng Hòa (áo đỏ, đứng thứ hai từ trái sang) tháp tùng ông Lê Đức Anh trong một chuyến công tác (Ảnh do tác giả cung cấp)

Ngày 18/8/1988, Cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng Lê Đức Anh dự Hội nghị Quân chính Quân khu IX. Nói chuyện tại Hội nghị, ông nêu rõ: Sức mạnh của Quân khu IX là dựa vào sức mạnh của nhân dân mà chiến đấu. Bằng khẩu hiệu “Độc lập cho dân tộc, ruộng đất cho dân cày”, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân đánh thắng hai đế quốc to, xoá bỏ tàn dư của chế độ phong kiến. Quân đội ta được nhân dân nuôi dưỡng, cùng nhân dân đánh thắng hai đế quốc, xoá bỏ sở hữu về ruộng đất của địa chủ, phong kiến. Đấy là nguyên nhân cơ bản để Quân khu IX đứng vững. Cho nên vấn đề ruộng đất cho nông dân là động lực, là khát vọng của người nông dân. Bây giờ các đồng chí ở quân khu xem khẩu hiệu đó có được giữ trọn vẹn không? Bây giờ một bộ phận dân cày không có ruộng, lực lượng vũ trang của Đảng suy nghĩ gì? Người nông dân suy nghĩ gì trong lúc này?

Ông Lê Đức Anh nói: "Khi tôi ở Quân khu 9, được nhân dân che chở, tôi càng cảm thông sâu sắc. Hôm nay thăm các đồng chí muốn nhắc lại chuyện cũ, nhưng cũng là rất mới, là vĩnh hằng của Đảng ta. Không được thay đổi đường lối đó".

Chiều 18/8, ông Lê Đức Anh thăm bà con nông dân xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Ngày 19/8, ông về tỉnh Kiên Giang, qua phà Tắc Cậu thăm bà con nông dân huyện An Biên.

Mở đầu buổi gặp gỡ bà con xã Tân Bình là lời tâm sự rất chân tình của Chủ tịch nước Lê Đức Anh: “Tôi là Sáu Nam, xưa ở vùng này. Tình hình Đồng bằng sông Cửu Long thì nắm được, nhưng chưa sâu. Tôi muốn nghe bà con nói”. Lần lượt, các ông bà có tên sau đây trò chuyện với ông: Nguyễn Văn Mười Hai, Võ Trung Thành (ấp Tám Ngàn); Trần Lắm, Dương Văn Long, Lê Trung Tâm (ấp Thạnh Mỹ A); Nguyễn Văn Lượm, Hà Văn Đá, Lê Bi, Trần Văn Tư…

Mỗi người một hoàn cảnh, có người có ruộng đất rồi làm ăn thua lỗ, phải sang đất cho người khác. Có người từ trước đến giờ chuyên đi làm mướn. Có người làm nghề thủ công, thợ hớt tóc… đa số đều đông con.

Ông Lê Đức Anh chăm chú lắng nghe sự giãi bày của từng người, hỏi đi hỏi lại “cầm” (tạm giao đất cho người khác rồi sẽ chuộc lại) hay “cố” (bán hẳn)… Ông Trần Lắm (42 tuổi) bộc bạch: Nhà có 5 công ruộng cộng với đất thổ cư… Năm 95 nuôi vịt, vịt chết, vợ đau… phải cầm cố, bây giờ không còn ruộng đất, phải đi làm mướn… Ông Lê Đức Anh hỏi: Bây giờ Nhà nước cho vay tiền để chuộc lại, người ta có cho chuộc không? - Dạ cho. Ông lại hỏi: Lãi cỡ nào? - Dạ, vì mình “cố” cho người ta, người ta đưa vàng cho. Bao giờ có thì trả lại. Ông Lê Đức Anh lại hỏi: Mấy năm nay nhà có được vay của ngân hàng không? - Dạ, vì có mấy công thôi (để thế chấp) nên vay được ít quá... Gia đình ông Nguyễn Văn Lượm (làm nghề bốc vác), ông Lê Bi (gia đình liệt sĩ) đều mong muốn có thể vay vốn để chăn nuôi… Khi nghe ông Lê Đức Anh hỏi “Bây giờ đi xa có đất, có đi không? Ông Nguyễn Văn Lượm băn khoăn: Phải cải tạo đất thì nhiều năm lắm…

Trở lại rừng U Minh, ông Lê Đức Anh có nhiều tâm sự. Rừng U Minh vốn là căn cứ địa của quân và dân khu 9. Hoà bình lâu rồi nhưng đời sống bà con chưa khá lên được. Gặp và trò chuyện với ông Lê Đức Anh ở huyện An Biên (Kiên Giang) là các gia đình nông dân không có đất sản xuất: Dương Văn Ân (thị trấn), Danh Đề (khu vực 3), Danh Dĩa (khu vực 1 thị trấn), Danh Thị Mọi, bà Đỗ Văn Điển, Nguyễn Hồng Việt (ấp Đông Quý), Danh Sĩ, Danh Hân, Danh Sóc…Vợ chồng anh Danh Hân làm hè thu hai ba năm thất bại, vay quỹ tín dụng không có tiền trả, phải “cố” 6 công đất, thành ra bán đất luôn…Gia đình ông Nguyễn Hồng Việt vay nợ để nuôi heo, hai năm không trả được, tín dụng lấy đất cho người khác làm, gia đình nhà vợ cho vay tiền để chuộc lại…

Trò chuyện với bà con, ông Lê Đức Anh bộc bạch: Tôi về thăm Đảng bộ, thăm bà con…Thứ hai là tìm hiểu cuộc sống của bà con sau 23 năm giải phóng, vì sao những người làm nông nghiệp mà không có đất…Quay sang ông Tám Quýt, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Kiên Giang là người hoạt động ở vùng này từ trong kháng chiến và Bí thư huyện uỷ An Biên, ông Lê Đức Anh nêu câu hỏi: Ở Kiên Giang thiên nhiên ưu đãi, không như miền Đông, tại sao dân nghèo? Đó là băn khoăn mà hôm nay tôi cũng chưa trả lời được.

Trong chuyến đi này, Cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng Lê Đức Anh đã làm việc với lãnh đạo Cần Thơ và  Kiên Giang về vấn đề ruộng đất. Tại Kiên Giang, tỉnh triệu tập các cán bộ trong thường vụ tỉnh uỷ, giám đốc các Sở Nông nghiệp, Sở địa chính, Hội nông dân…Tỉnh báo cáo kết quả khảo sát điều tra ở 4 huyện: Giồng Riềng, Hòn Đất, An Biên, Gò Quao…

Sau khi nghe báo cáo của từng ban-ngành, ông Lê Đức Anh nêu rõ: Vấn đề ruộng đất là vấn đề lớn, tôi muốn tìm hiểu để tham gia ý kiến với Bộ chính trị, với Ban chấp hành Trung ương…Ở đây tôi muốn nói, muốn xoá đói giảm nghèo ở nông thôn, cũng phải công nghiệp hoá…Trong khi ta chưa hút được lực lượng lao động nông nghiệp mà nông dân không có ruộng đất, đẩy nông dân ra ngoài đường thì chuyện đó không chấp nhận được. Cái đó không phải là quan điểm của Đảng ta…

Kết thúc buổi làm việc, ông đề nghị tỉnh Kiên Giang chỉ đạo cho nông dân vay tiền và bằng mọi cách giúp họ chuộc lại ruộng đất, phát triển sản xuất để có cuộc sống ấm no hạnh phúc…

Sau này, đề cập vấn đề ruộng đất, ông nói khá gay gắt: “Tôi biết, có người là đảng viên lão thành, trước làm tổ chức chính quyền, nay về hưu làm chủ trang trại mấy chục hec ta. Mà làm thuê cho anh lại chính là những người nông dân nghèo khó mà anh vừa mới tham gia cách mạng để giải phóng họ. Với Bộ Chính trị, tôi cũng nói nhiều lần, nói kiên trì lắm. Sau đó, Nhà nước đã cho các hộ nông dân vay tiền để chuộc lại ruộng đất, mà cho vay với lãi suất thấp, trong đề án của Chính phủ về xoá đói giảm nghèo (theo sách “Đại tướng Lê Đức Anh – nhà xuất bản Quân đội nhân dân tháng 9/2005, trang 258).

Nhà báo Trương Cộng Hòa trò chuyện với ông Lê Đức Anh trong chuyến công tác

Nhà báo Trương Cộng Hòa trò chuyện với ông Lê Đức Anh trong chuyến công tác

Kết thúc ba ngày làm việc ở Tây Nam Bộ, Cố vấn Lê Đức Anh trở về thành phố Hồ Chí Minh. Trên chiếc trực thăng Mi 8, ông còn mở bản đồ Đồng bằng sông Cửu Long ra, hỏi thêm một số điều với những cán bộ tháp tùng trong chuyến đi. Ông hỏi tôi: - Hoà có về thành phố Hồ Chí Minh không? - Dạ thưa Bác cho cháu xuống Cần Thơ. Ông nói với cơ trưởng: - Cho Hoà xuống Trà Nóc nhé! Khi chiếc Mi 8 nhẹ nhàng đáp xuống đường băng ông còn dặn tôi: - Nhớ tiếp tục tìm hiểu vấn đề này.

Kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh của ông (1/12/1920 – 1/12/2020), tôi kể lại một vài kỷ niệm trên để tưởng nhớ ông, một vị lãnh đạo xuất sắc của Đảng và quân đội ta, người luôn tâm niệm lời dạy của Bác Hồ: Làm sao để dân ta ai cũng có áo mặc, ai cũng được học hành./. 

 

VOV.VN

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.808.017
Truy cập hiện tại 1.301