Tìm kiếm tin tức
Điều kiện tự nhiên xã Quảng Lợi
Ngày cập nhật 14/10/2019

1.1.1. Địa hình

Xã Quảng Lợi có địa hình được phân theo các vùng và có dạng như sau: Phía Nam của xã là vùng cát, có tầng đất dày, kết cấu rời rạc, nghèo dinh dưỡng, hàm lượng NPK và mùn trong đất cũng như độ PH thấp. Thấp dần về phía Bắc giáp ranh giới với Phá Tam Giang; Đất có dạng bồi tụ trên nền cát, tầng đất tương đối dày, thành phần thịt nặng, cát pha, úng về mùa mưa, khô hạn về mùa khô.

1.1.2. Khí hậu

Nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, được chia làm 2 mùa rõ rệt.

a) Nhiệt độ:

Về mùa khô chịu ảnh hưởng của gió Tây Nam nên khô nóng; về mùa lạnh do ảnh hưởng của gió Đông Bắc nên mưa nhiều, trời lạnh.

- Nhiệt độ trung bình hàng năm: 25,6 0C.

- Nhiệt độ trung bình năm cao nhất : 26,40C.

- Nhiệt độ trung bình năm thấp nhất 24,8 0C.

- Nhiệt độ cao tuyệt đối : 40,8 0C.

- Nhiệt độ thấp tuyệt đối : 11 0C.

b) Nắng:

Từ tháng 3 đến tháng 8. Nhiệt độ trung bình từ 28-290C. Chiếm khoảng 22%. Lượng mưa cả năm, các tháng khô hạn nhất là tháng 5,6,7. Mùa này thường nắng nóng, hạn hán và có gió Tây Nam (gió Lào), về mùa hè hay bị nước mặn xâm nhập.

  • Số giờ nắng trung bình hàng năm: 1.893,6 giờ.
  • Tháng có giờ nắng nhiều nhất trong năm là tháng 7 (258,3h giờ) và tháng 5 (248,8 giờ).
  • Tháng có ít giờ nắng nhất trong năm là tháng 4 (77,5 giờ) và tháng 9 (75 giờ).
  • Giai đoạn nắng cao nhất là tháng 4 đến tháng 9.

c) Mưa:

Từ tháng 9 đến tháng 2 năm sau. Nhiệt độ trung bình 20-210C, mùa này thường có lượng mưa lớn tập trung nên dễ gây ngập lụt và kèm theo gió bão, chiếm 78% lượng mưa cả năm. Hai tháng có lượng mưa lớn nhất là tháng 10 và tháng 11, với lượng mưa trung bình là 580 – 796 mm/ tháng.

d) Độ ẩm, bốc hơi:

Lượng bốc hơi trong năm trung bình là 980 mm, trong đó thời kỳ từ tháng 3 đến tháng 8 lượng bốc hơi lớn hơn lượng mưa khiến cây trồng dễ bị khô hạn vào đầu vụ hè thu. Ngược lại cuối vụ hè thu trở nên bấp bênh, kém ổn định do hệ thống thuỷ lợi chưa được đảm bảo.

 Độ ẩm không khí bình quân cả năm 83%, thời kỳ độ ẩm cao từ tháng 11 đến tháng 2 năm sau (85-88%). Đây là thời kỳ có độ ẩm thuận lợi nhất cho canh tác, do vậy trong thời kỳ này (vụ Đông Xuân) khả năng thâm canh tương đối đảm bảo cho năng suất cao, ổn định và hầu như không bị ảnh hưởng của các yếu tố khô hạn và mưa bão.

e) Gió bão:

  • Các hướng gió chính là gió Đông Nam, Tây Nam (gió mùa mùa hạ), gió Tây Bắc, Đông Bắc (gió mùa mùa Đông).
  • Gió mùa mùa hạ có từ tháng 5 đến tháng 9, tốc độ gió trung bình 1,3 - 1,6 m/s
  • Gió mùa mùa Đông có từ tháng 10 đến tháng 4, tốc độ trung bình 1,6 - 1,9 m/s, khi có khí lạnh tràn về lên đến 17 - 18m/s tối đa đạt 20 m/s.

Bão lụt thường xuất hiện trong mùa mưa từ tháng 9 đến tháng 10 đặc biệt hàng năm xuất hiện lũ tiểu mãn trong khoảng tháng 5, tháng 6, cơn lụt này tuy không lớn nhưng gây thiệt hại đáng kể vì rơi trúng vào mùa vụ của người nông dân và người nuôi trồng thuỷ sản.

1.1.3. Thuỷ văn

Xã Quảng Lợi là xã có vùng đầm phá khá lớn nên các mương rãnh, khe nước trên địa bàn đều đổ vào phá Tam Giang, ảnh hưởng về thuỷ văn của xã, trong đó xã chịu chi phối nhiều nhất bởi hạ lưu sông Ô Lâu khi mùa mưa lũ về. Sông Ô Lâu bắt nguồn từ núi Thượng Hùng có độ cao 600 m đổ vào phía Bắc phá Tam Giang để ra của Thuận An với diện tích lưu vực khoảng 752 km2. Hàng năm sông Ô Lâu đổ vào phá Tam Giang vào khoảng 550 tỉ m3 nước.

1.1.4. Tài nguyên thiên nhiên

a) Đất đai:

Xã Quảng Lợi có diện tích đất tự nhiên 3288.25ha. Gồm loại đất chính sau:

  • Đất nông nghiệp 1433.68 ha.
  • Đất phi nông nghiệp 1654.29 ha.
  • Đất chưa sử dụng 51.64 ha.
  • Đất khu dân cư nông thôn 148.64 ha.

Bảng 1.1. Bảng thống kê đất tự nhiên toàn xã

STT

LOẠI ĐẤT

DIỆN TÍCH (ha)

TỶ LỆ (%)

1

Đất nông nghiệp

1433.68

43.60

2

Đất phi nông nghiệp

1654.29

50.31

3

Đất chưa sử dụng

51.64

1.57

4

Đất khu dân cư nông thôn

148.64

4.52

 

Tổng cộng

3288.25

100.00

b) Mặt nước:

Tài nguyên nước của xã Quảng Lợi bao gồm hai nguồn nước chính: nguồn nước mặt và nguồn nước ngầm. Diện tích mặt nước 1124.23ha trong đó diện tích đang nuôi trồng thủy sản là 61.49ha.

- Nguồn nước mặt:

Chủ yếu từ sông Ô Lâu, nhưng về mùa hè thường bị mặn do ảnh hưởng của vùng ven phá tam giang, chỉ có các hồ chứa nước như hồ Đồng Bào, Thủy Lập cung cấp nước tưới cho sản xuất, nước sinh hoạt cho nhân dân trong vùng.

- Nguồn nước ngầm:

Theo kết quả thăm dò địa chất thuỷ văn cho thấy tầng nước ngầm của xã tương đối phong phú, có đều quanh năm và phân bố trên diện rộng là nguồn nước cung cấp cho nhu cầu ăn uống, sinh hoạt, chủ yếu của người dân, mực nước sâu từ 1 - 4 m. Tương đối thuận lợi cho việc khai thác khoan giếng nước, về mùa hè chỉ khoan xuống 1,5 đến 1,7 m đã có nước sinh hoạt. Do  ảnh hưởng của các nguồn thải từ khu dân cư, từ chăn nuôi và các chất hoá học sử dụng trong nông nghiệp đã làm cho chất lượng nước ở một số vùng trong xã bị ô nhiễm và kém chất lượng, ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ của người dân trong vùng. Hiện nay nguồn nước ngầm chủ yếu để phục vụ cho sản xuất nhỏ và các sinh hoạt khác.

Nhìn chung tài nguyên nước của xã rất phong phú và phân bố trên diện rộng, khá thuận lợi cho việc phát triển kinh tế - xã hội của xã. Song việc khai thác còn khá tuỳ tiện, không hợp lý dẫn đến tình trạng lãng phí và gây ô nhiễm nguồn nước. Chính vì vậy trong tương lai cần có các biện pháp khai thác và sử dụng nguồn nước hợp lý, tiết kiệm hơn, cần chú trọng nâng cao chất lượng nước sinh hoạt để đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng của người dân.

c) Tài nguyên đầm phá:

Quảng Lợi có gần 9 km chiều dài bãi ngang hệ thống đầm phá rộng do đó có nhiều chủng loại hải sản, nhiều loại có giá trị kinh tế cao như: tôm, cá nâu, cá dìa... Phá Tam Giang nằm trong hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, phá có dạng địa hình thuỷ vực sông như một dòng chảy hẹp kéo dài với nhiều loài sinh vật thuỷ sinh sinh sống kéo theo hệ sinh vật ở đây khá đa dạng và phong phú. Phía Tây chịu ảnh hưởng của sông Ô Lâu, phía Nam chịu ảnh hưởng các nhánh sông của sông Bồ đổ về, vùng phá thông với cửa biển của Thuận An. Phá Tam Giang có khả năng nuôi trồng và đánh bắt nhiều loại thuỷ sản có giá trị như: tôm sú, cua, cá Dìa, cá Nâu, cá Hồng, cá Mú....

Đây là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá đã tạo ra công ăn việc làm và tăng thu nhập cho nhân dân. Tuy nhiên nguồn lợi tự nhiên này đang bị khai thác quá mức dẫn đến suy giảm mạnh và có khả năng cạn kiệt.

d) Tài nguyên khoáng sản:

Titan với diện tích khoảng 130 ha.

e) Tài nguyên nhân văn:

Là một xã có quy mô diện tích vào loại lớn của huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Lợi có một nền văn hoá tương đối lâu đời với nhiều truyền thống và phong tục tập quán cần được phát huy để góp phần vào sự phát triển chung của toàn xã, huyện.

Nhân dân Quảng Lợi có nền văn hoá truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc, uống nước nhớ nguồn; cần cù và có truyền thống cách mạng, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc trong nhân dân, nêu cao tinh thần đoàn kết yêu thương cộng đồng.

1.1.5. Nhận xét đánh giá điều kiện tự nhiên

Quảng Lợi là một xã có nền sản xuất chủ yếu là nông nghiệp. Tại khu vực nông thôn máy móc cơ giới phục vụ nông nghiệp chưa phổ biến, chưa có khu công nghiệp và các nhà máy, các cụm, điểm TTCN nên nhìn chung chất lượng không khí ở Quảng Lợi còn khá tốt.

Là vùng ven phá Tam Giang, hệ sinh thái đầm phá đóng vai trò hết sức quan trọng cả về mặt kinh tế - xã hội lẫn về mặt môi trường. Ngập lụt kéo theo sự ngọt hóa về mùa mưa và nhiễm mặn vào mùa khô là vấn đề cấp bách nhất đối với môi trường đầm phá.

Ngoài ra các hoạt động sản xuất nông nghiệp, mà đặc biệt là việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tùy tiện đã phần nào tác động xấu đến chất lượng môi trường đất cũng như môi trường nước.

* Nhận xét chung về điều kiện tự nhiên, tài nguyên và cảnh quan môi trường:

  • Thuận lợi:

Có diện tích mặt nước đầm phá khá lớn là nơi cư trú và phát triển của nhiều loại tôm, cá,… rất thuận lợi cho việc nuôi trồng và đánh bắt thủy sản đồng thời tạo điều kiện cho ngư nghiệp và công nghiệp chế biến hải sản phát triển.

  • Khó khăn:

Nằm trong vùng ảnh hưởng của lưu vực Sông Bồ và sông Ô Lâu, tiếp giáp phá Tam Giang, chịu ảnh hưởng trực tiếp từ đầm phá nên hàng năm thường xuyên bị thiên tai đe dọa.

Nằm trong vùng thấp trũng, mưa lũ dễ ngập, mùa hè khô hạn, việc xây dựng các công trình hạ tầng: giao thông, công trình thuỷ lợi gặp nhiều khó khăn.

Thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, hạn hán khô nóng vào mùa hè, mưa lớn lũ lụt vào mùa mưa gây ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân.

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.807.425
Truy cập hiện tại 1.181