Tìm kiếm tin tức
Kết quả rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trong kỳ hệ thống hóa 2019 – 2023 tại tỉnh Thừa Thiên Huế
Ngày cập nhật 23/07/2024

Rà soát văn bản quy phạm pháp luật là việc xem xét, đối chiếu, đánh giá các quy định của văn bản được rà soát với văn bản là căn cứ để rà soát, tình hình phát triển kinh tế - xã hội nhằm phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị xử lý các quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp.

Công tác tổng rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật là việc xem xét, đánh giá toàn bộ hệ thống VBQPPL do tất cả các cơ quan, người có thẩm quyền ban hành trong một khoảng thời gian cụ thể góp phần đảm bảo tính thống nhất, thuận lợi trong áp dụng VBQPPL để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước cũng như phục vụ việc hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Thực hiện nhiệm vụ định kỳ hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật  quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, ngày 20 tháng 3 năm 2023, tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành trong kỳ hệ thống hóa 2019 – 2023, kết quả cụ thể như sau:

Quá trình tổ chức thực hiện hệ thống hóa văn bản kỳ 2019-2023

Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 456/KH-UBND ngày 08/12/2022 về hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật kỳ 2019 - 2023; Công văn số 3720/UBND-TP ngày 19/4/2023 về việc bố trí kinh phí cho công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật kỳ 2019 - 2023; Công văn số 6820/UBND-CCHC ngày 16/7/2023 về việc tăng cường thực hiện công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, kỳ 2019 – 2023.

Với chức năng, nhiệm vụ tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện quản lý công tác rà soát, hệ thống hóa kỳ 2019-2023 trên địa bàn tỉnh, Sở Tư pháp đã ban hành nhiều Công văn để hướng dẫn, đôn đốc và trả lời kết quả hệ thống hóa kỳ 2019 - 2023 của các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Cục Thuế tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế.

Bên cạnh đó, Sở Tư pháp đã tổ chức Hội nghị bồi dưỡng nghiệp vụ pháp chế năm 2023, Chuyên đề “Rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật kỳ 2019-2023” cho các đối tượng là công chức phụ trách công tác pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; công chức Phòng Xây dựng và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Sở Tư pháp; Lãnh đạo và chuyên viên phụ trách công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật của Phòng Tư pháp các huyện, thị xã, thành phố Huế; công chức phụ trách, theo dõi công tác văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế (cấp huyện).

100 % các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện đã ban hành kế hoạch triển khai nhiệm vụ hệ thống hóa văn bản kỳ 2019 - 2023; xác định đầy đủ và chính xác các văn bản thuộc trách nhiệm hệ thống hóa của đơn vị mình; tập hợp đầy đủ các văn bản thuộc đối tượng hệ thống hóa; tập hợp đầy đủ kết quả rà soát các văn bản để hệ thống hóa; kiểm tra lại kết quả rà soát văn bản và rà soát bổ sung; lập, sắp xếp các Danh mục văn bản theo đúng mẫu số 03, 04, 05, 06 Phụ lục IV kèm theo Nghị định số 34/2016/NĐ-CP; Báo cáo kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật kỳ 2019 - 2023.

Tại cấp tỉnh, Sở Tư pháp đã chủ động tập hợp, kiểm tra lại kết rà soát, hệ thống hóa văn bản kỳ 2019 - 2023 của các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh để tiến hành tập hệ thống hóa và sắp xếp các văn bản vào 04 Danh mục theo đúng quy định tại Nghị định số 34/2016/NĐ-CP; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế kỳ 2019 - 2023 đúng thời hạn quy định.

Tại cấp huyện, Phòng Tư pháp đã hoàn thành tốt vai trò tham mưu Ủy ban nhân dân cùng cấp trong việc đôn đốc, hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật kỳ 2019-2023; công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện kỳ 2019 - 2023 và Báo cáo kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật kỳ 2019 - 2023.

Kết quả hệ thống hóa: Sau hơn 01 năm tổ chức thực hiện Kế hoạch tính đến hết tháng 01/2024 toàn tỉnh đã cơ bản hoàn thành việc hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật kỳ 2019 - 2023 với kết quả cụ thể như sau:

* Cấp tỉnh: Đã ban hành Quyết định số 514/QĐ-UBND ngày 29/02/2024 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế kỳ 2019 - 2023. Đồng thời, đã cập nhật quyết định công bố lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật đúng quy định. Tổng số văn bản được tập hợp để hệ thống hóa kỳ 2019 - 2023 của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh: 1090 văn bản (còn hiệu lực và hết hiệu lực toàn bộ), bao gồm: Danh mục văn bản quy phạm pháp luật còn hiệu lực: 721 văn bản; Danh mục văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ: 369 văn bản; Danh mục văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực, ngưng hiệu lực một phần: 72 văn bản; Danh mục văn bản quy phạm pháp luật cần đình chỉ việc thi hành, ngưng hiệu lực, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới: 139 văn bản.

Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các sở, ban, ngành, các văn bản thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh được sắp xếp thành 23 lĩnh vực, cụ thể là: Tài chính; Tài nguyên và Môi trường; Y tế; Hành chính - Văn phòng; Thuế; Khu  kinh tế, công nghiệp; Khoa học Công nghệ; Giao thông vận tải; Văn hóa, thể thao; Du lịch; Giáo dục và Đào tạo; Nông nghiệp và phát triển nông thôn; Xây dựng; An ninh, quốc phòng; Kế hoạch và Đầu tư; Lao động, Thương binh và Xã hội; Dân tộc; Khiếu nại và Tố cáo; Nội vụ; Tư pháp; Công thương; Thông tin và truyền thông; Ngoại vụ.

* Cấp huyện: Tất cả 09/9 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã ban hành các quyết định công bố kết quả hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân địa phương mình ban hành trong kỳ hệ thống hóa 2019-2023, cụ thể:

 

Stt

 

Đơn vị

Tổng số văn bản

Còn hiệu lực

Hết hiệu lực toàn bộ

Hết hiệu lực một phần

Cần sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới

1

Nam Đông

16

9

0

0

2

Phú Lộc

11

29

0

0

3

Phong Điền

21

46

0

4

4

Hương Thủy

31

6

0

19

5

Thành phố Huế

12

15

1

1

6

Phú Vang

23

19

1

7

7

Quảng Điền

25

15

0

0

8

Hương Trà

15

21

0

0

9

A Lưới

56

41

0

0

Tổng cộng

210

201

02

31

 

 

Stt

 

Đơn vị

Tổng số văn bản

Còn hiệu lực

Hết hiệu lực toàn bộ

Hết hiệu lực một phần

Cần sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới

1

Nam Đông

29

21

0

0

2

Phú Lộc

1

160

0

0

3

Phong Điền

20

98

0

0

4

Hương Thủy

0

85

0

0

5

Thành phố Huế

0

0

0

0

6

Phú Vang

15

74

0

1

7

Quảng Điền

11

88

0

0

8

Hương Trà

14

81

0

0

9

A Lưới

71

126

0

0

Tổng cộng

161

733

0

01

 

Những thuận lợi, khó khăn và vướng mắc

Nhìn chung, việc triển khai nhiệm vụ hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân kỳ 2019  - 2023 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế tương đối thuận lợi. Điều này xuất phát từ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, kịp thời của Thường trực Hội đồng nhân dân, Lãnh đạo Ủy ban nhân dân các cấp đối với công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản. Các cơ quan, đơn vị đã nhận thức sâu sắc được trách nhiệm hệ thống hóa của đơn vị mình, hiểu được vai trò, ý nghĩa của công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản đối với quá trình xây dựng, hoàn thiện, tổ chức thi hành pháp luật nên đã quan tâm, chủ động phối hợp với cơ quan Tư pháp, Ban pháp chế để được kịp thời hướng dẫn, bố trí công chức thực hiện rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật kỳ 2019-2023. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt thuận lợi, trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch hệ thống hóa văn bản thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân kỳ 2019-2023 còn có một số khó khăn, vướng mắc như:

Công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản là công tác khó, đòi hỏi phải dành nhiều thời gian để thực hiện. Tuy nhiên, một số ít cơ quan, đơn vị khi triển khai Kế hoạch hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật kỳ 2019-2023 chưa lường trước được mức độ khó khăn trong công tác này, dẫn đến tình trạng chủ quan, không chủ động thực hiện từ sớm. Điều này có thể ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng của kết quả hệ thống hóa văn bản.

Chất lượng hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật kỳ 2019-2023 tại một số cơ quan, đơn vị chưa được cao, nguyên nhân do chuyển trụ sở, thay đổi địa giới hành chính, thay đổi công chức phụ trách tham mưu công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; công chức phụ trách tham mưu công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật tại các phòng chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện chủ yếu kiêm nhiệm, ít được tập huấn nghiệp vụ về công tác rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật theo ngành, lĩnh vực.

Việc công bố, báo cáo kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật kỳ 2019-2023 của một số đơn vị cấp huyện, cấp xã chưa được kịp thời, còn chậm so với yêu cầu đặt ra.

Việc xác định văn bản hết hiệu lực cũng gặp một số khó khăn nhất định, như: Một số văn bản được sửa đổi, bổ sung nhiều lần hoặc sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung gây khó khăn cho việc xác định các nội dung hết hiệu lực và còn hiệu lực; sự quy định không thống nhất về hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật tại khoản 1 Điều 12, khoản 2 Điều 153 và khoản 4 Điều 154 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 đã dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng các quy định này để xác định các trường hợp hết hiệu lực của văn bản; căn cứ pháp lý mà một số văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương sử dụng để làm cơ sở ban hành đã hết hiệu lực hoặc nội dung không còn phù hợp nhưng chưa được sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ kịp thời đã dẫn đến khó khăn trong việc xác định văn bản cần sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới của địa phương.

Kiến nghị, đề xuất

Đối với Bộ, ngành Trung ương: Thường xuyên thực hiện rà soát các văn bản quy phạm pháp luật do mình ban hành hoặc tham mưu ban hành để xử lý kịp thời đối với những văn bản không còn phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành, chủ động công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật đã hết hiệu lực thi hành tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương tra cứu, theo dõi, thực hiện (hiện nay còn rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương căn cứ pháp lý đã hết hiệu lực hoặc nội dung không còn phù hợp nhưng chưa được sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ kịp thời).

Sau khi Quốc hội ban hành các Luật, đối với các nội dung cần quy định chi tiết thì Chính phủ, các Bộ, ngành cần sớm ban hành các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành để đảm bảo văn bản hướng dẫn có hiệu lực cùng với văn bản được quy định chi tiết.

Đối với Bộ Tư pháp: Tổng hợp các khó khăn, vướng mắc, chồng chéo, mâu thuẫn, chưa phù hợp của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các Nghị định hướng dẫn thi hành để có kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung.

Thực tiễn ban hành, áp dụng và thi hành văn bản quy phạm pháp luật đòi hỏi các cơ quan nhà nước phải thường xuyên hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật do mình ban hành. Tại các địa phương, công tác hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật cũng đã được triển khai thực hiện. Hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật có ý nghĩa quan trọng trong việc phục vụ trực tiếp cho việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương, tạo ra cơ sở cho sự đổi mới, nâng cao chất lượng quản lý nhà nước trong quá trình cải cách hành chính thông qua việc tạo ra sự thống nhất, hài hoà giữa các văn bản quy phạm pháp luật. Bên cạnh đó, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật cũng giúp người dân, doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận, hiểu biết pháp luật về các vấn đề mà họ quan tâm. Do đó, trong quá trình cải cách hành chính hiện nay, để thực hiện thành công Chương trình tổng thể cải cách hành chính, triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 có hiệu quả thì các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải thật sự quan tâm và đẩy mạnh thực hiện công tác hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật./.

https://stp.thuathienhue.gov.vn/?gd=12&cn=676&tc=8992

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.782.535
Truy cập hiện tại 2.610