Tìm kiếm tin tức
THÔNG CÁO BÁO CHÍ SỐ 15 KỲ HỌP THỨ 10, QUỐC HỘI KHÓA XIV
Ngày cập nhật 13/11/2020
Thứ Năm, ngày 12/11/2020, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 8, Đợt 2 theo hình thức tập trung tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khoá XIV, ngày 12/11/2020

Buổi sáng

Nội dung 1: Từ 8 giờ 00 đến 9 giờ 30, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Các đại biểu tập trung cho ý kiến về sự cần thiết ban hành Luật; về tên goi, phạm vi điều chỉnh của Luật; về sự phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; về tính hợp hiến, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và tính khả thi của dự thảo Luật; về bố trí lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở,…

Nội dung 2: Quốc hội tiến hành họp riêng dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân để xem xét về công tác nhân sự. Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy trình bày Báo cáo kết quả thảo luận ở Đoàn đại biểu Quốc hội về phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự: Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ trưởng Bộ  Y tế, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; nghe Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội về đề nghị phê chuẩn việc bổ nhiệm một số thành viên Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021; nghe Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về đề nghị phê chuẩn việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Tiếp đó, Quốc hội tiến hành phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự bằng hình thức bỏ phiếu kín, kết quả như sau:

- Về việc phê chuẩn bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đối với ông Huỳnh Thành Đạt: có 475 đại biểu tham gia bỏ phiếu (trong tổng số 481 đại biểu Quốc hội); trong đó, có 472 phiếu hợp lệ, 03 phiếu không hợp lệ, 443 phiếu đồng ý (bằng 92.09% tổng số ĐBQH), 29 phiếu không đồng ý (bằng 6.02% tổng số ĐBQH).

- Về việc phê chuẩn bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế đối với ông Nguyễn Thanh Long: có 475 đại biểu tham gia bỏ phiếu (trên tổng số 481 đại biểu Quốc hội); trong đó, có 472 phiếu hợp lệ, 03 phiếu không hợp lệ, 459 phiếu đồng ý (bằng 95.42% tổng số ĐBQH), 13 phiếu không đồng ý (bằng 2.70% tổng số ĐBQH).

- Về việc phê chuẩn bổ nhiệm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với bà Nguyễn Thị Hồng: có 475 đại biểu tham gia bỏ phiếu (trên tổng số 481 đại biểu Quốc hội); trong đó, có 472 phiếu hợp lệ, 03 phiếu không hợp lệ, 467 phiếu đồng ý (bằng 97.08% tổng số ĐBQH), 05 phiếu không đồng ý (bằng 1.03% tổng số ĐBQH).

- Về việc phê chuẩn bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đối với ông Trần Hồng Hà: có có 475 đại biểu tham gia bỏ phiếu (trên tổng số 481 đại biểu Quốc hội); trong đó, có 475 phiếu hợp lệ, 0 phiếu không hợp lệ, 469 phiếu đồng ý (bằng 97.50% tổng số ĐBQH), 06 phiếu không đồng ý (bằng 1.24% tổng số ĐBQH).

- Về việc phê chuẩn bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đối với ông Phạm Quốc Hưng: có 475 đại biểu tham gia bỏ phiếu (trên tổng số 481 đại biểu Quốc hội); trong đó, có 475 phiếu hợp lệ, 0 phiếu không hợp lệ, 403 phiếu đồng ý (bằng 83.78% tổng số ĐBQH), 72 phiếu không đồng ý (bằng 14.96% tổng số ĐBQH).

- Về việc phê chuẩn bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đối với ông Ngô Hồng Phúc: có 475 đại biểu tham gia bỏ phiếu (trên tổng số 481 đại biểu Quốc hội); trong đó, có 475 phiếu hợp lệ, 0 phiếu không hợp lệ, 451 phiếu đồng ý (bằng 93.76% tổng số ĐBQH), 24 phiếu không đồng ý (bằng 4.98% tổng số ĐBQH).

Sau đó, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày dự thảo Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm nhân sự thành viên Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021. Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết trên bằng hình thức điện tử, kết quả như sau: Có 445 đại biểu tham gia biểu quyết (trên tổng số 481 đại biểu Quốc hội), bằng 92.32% tổng số ĐBQH; trong đó, có 444 đại biểu tán thành (bằng 92.12% tổng số ĐBQH), 01 đại biểu không tán thành (bằng 0.21% tổng số ĐBQH).

Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày dự thảo Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Tiếp theo, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết trên bằng hình thức điện tử. Kết quả như sau: có 446 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 92.53% tổng số ĐBQH); trong đó, có 441 đại biểu tán thành (bằng 91.49% tổng số ĐBQH), 03 đại biểu không tán thành (bằng 0.62% tổng số ĐBQH), 02 đại biểu không biểu quyết (bằng 0.41% tổng số ĐBQH).

Nội dung 3: dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở Hội trường về dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tại phiên thảo luận, có 09 đại biểu Quốc hội phát biểu; sau đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân giải trình, làm rõ thêm ý kiến của đại biểu Quốc hội.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, trong phiên thảo luận tại hội trường ngày 26/10/2020 và buổi sáng ngày 12/11/2020 đã có 19 đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến. Các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh; đồng thời, các ý kiến đại biểu tán thành với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về  tên gọi, phạm vi và nội dung dự thảo Nghị quyết. Để góp phần hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, các đại biểu Quốc hội đã tập trung cho ý kiến về một số nội dung sau:

- Về tên gọi của dự thảo Nghị quyết: Các đại biểu Quốc hội tán thành không thực hiện thí điểm Nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh dựa trên các căn cứ sau: Thứ nhất, căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019; Thứ hai, trước đây thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện thí điểm 06 năm theo Nghị quyết số 26 của Quốc hội khóa XII và được đánh giá có kết quả tốt; Thứ ba, do thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt nên việc ban hành Nghị quyết này sẽ phù hợp với chủ trương của Đảng về việc không mở rộng thí điểm mô hình, tổ chức và phù hợp với Nghị quyết số 18 của Trung ương Đảng về việc tiếp tục đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị.

- Về trình tự, thủ tục: Các đại biểu Quốc hội tán thành với đề nghị của Chính phủ về trình tự, thủ tục rút gọn và thông qua dự thảo Nghị quyết tại kỳ họp thứ 10.

- Về nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh: Các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với nhiều nội dung của dự thảo Nghị quyết và đề nghị tăng số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố hoạt động chuyên trách lên khoảng 19 người.

- Về căn cứ pháp lý quy định lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận khi không tổ chức Hội đồng nhân dân ở quận: Để tăng cường kiểm soát quyền lực, việc Hội đồng nhân dân thành phố lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận trong điều kiện không tổ chức Hội đồng nhân dân ở quận là cần thiết và sẽ căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh.

- Về những giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả của Hội đồng nhân dân: Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết.

- Về tên gọi, cơ cấu, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân quận, Ủy ban nhân dân phường: Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với tên gọi Ủy ban nhân dân quận, phường như đề xuất của Chính phủ.

- Về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền thành phố thuộc Thành phố Hồ Chí Minh: Có ý kiến đề nghị bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của thành phố thuộc thành phố như trong Dự thảo Nghị quyết và không làm thí điểm, không thành lập Hội đồng nhân dân phường, Hội đồng nhân dân thành phố thuộc thành phố Hồ Chí Minh.

- Về hiệu lực thi hành: Các đại biểu Quốc hội tán thành với Tờ trình của Chính phủ về việc Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ 01/01/2021 và triển khai thực hiện từ 01/7/2021.

Buổi chiều

1. Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình về đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2020, dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 và dự thảo Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2021. Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2021. Kết quả biểu quyết như sau:

+ Về Điều 1, quy định về thông qua dự toán ngân sách nhà nước năm 2021: có 451 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 93,57% tổng số ĐBQH); trong đó, có 449 đại biểu tán thành (bằng 93,15% tổng số ĐBQH); 02 đại biểu không biểu quyết (bằng 0,41% tổng số ĐBQH).

+  Về Điều 2, quy định về điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2020: có 449 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 93,15% tổng số ĐBQH); trong đó, có 447 đại biểu tán thành (bằng 92,74% tổng số ĐBQH); 02 đại biểu không biểu quyết (bằng 0,41% tổng số ĐBQH).

 + Về toàn bộ dự thảo Nghị quyết: có 448 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 92,95% tổng số ĐBQH); trong đó, có 446 đại biểu tán thành (bằng 92,53% tổng số ĐBQH), 02 đại biểu không biểu quyết (bằng 0,41% tổng số ĐBQH).

2. Sau đó, Quốc hội tiến hành họp riêng dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển để xem xét, cho ý kiến về những nội dung sau:

+ Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình của Chính phủ và Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Tổng Công ty Hàng không Việt Nam do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về nội dung này. Sau thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng giải trình một số ý kiến của đại biểu Quốc hội nêu.

+ Quốc hội thảo luận ở hội trường dự thảo Nghị quyết về thí điểm quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế. Sau thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà giải trình một số ý kiến của đại biểu Quốc hội nêu. 

Thứ Sáu, ngày 13/11/2020: Buổi sáng, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi). Buổi chiều, Quốc hội biểu quyết thông qua: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Cư trú (sửa đổi); Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Luật Thỏa thuận quốc tế; Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2021; Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc./.

 

quochoi.vn

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.806.841
Truy cập hiện tại 1.046