Trải qua nhiều biến cố thăng trầm lịch sử, những làng nghề tưởng chừng như bị mai một, những năm qua huyện Phong Điền tập trung đầu tư, hỗ trợ và đề ra các giải pháp cụ thể nhằm khôi phục, phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp (TTCN) và các làng nghề truyền thống. Nhờ vậy, nhiều ngành nghề TTCN, làng nghề truyền thống được khôi phục và phát triển góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Làng nghề truyền thống Điêu khắc, Mộc mỹ nghệ Mỹ Xuyên xã Phong Hòa là một làng quê có lịch sử hình thành cách đây hơn 600 năm. Các sản phẩm phần lớn của làng nghề được làm bằng thủ công, trình độ công nghệ, thiết bị còn lạc hậu, năng lực cạnh tranh thấp, dẫn đến hiệu quả kinh tế không cao; khâu tiếp thị, xúc tiến thương mại vẫn mang tính tự phát, dàn trải, thiếu chuyên nghiệp. Trước thực trạng này, UBND huyện Phong Điền đã thành lập cụm làng nghề Mỹ Xuyên và đã thu hút được đông đảo doanh nghiệp ra đời nhằm khôi phục và phát triển nghề truyền thống này. Bên cạnh đó, hỗ trợ vốn vay phát triển nghề, chính sách giao, cho thuê mặt bằng, hỗ trợ học nghề, đổi mới sản phẩm tìm kiếm thị trường.… Từ đó các sản phẩm chủ yếu của làng nghề đã và đang khẳng định được giá trị thương hiệu, đáp ứng được nhu cầu của thị trường như nhà rường, tượng các loại, đồ trang trí nội thất và nhiều sản phẩm khác. Điều này đã góp phần tạo việc làm và nâng cao đời sống kinh tế, thúc đẩy phát triển của làng nghề góp phần giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa của làng nghề nơi đây.
Hiện nay, làng nghề truyền thống Điêu khắc, Mộc mỹ nghệ Mỹ Xuyên với 28 cơ sở sản xuất giải quyết việc làm cho hơn 200 lao động với thu nhập bình quân trên 10 triệu đồng/tháng. Ông Lê Văn Trực,Trưởng ban điều hành làng Mỹ Xuyên xã Phong Hòa chia sẽ “Từ khi được công nhận làng nghề truyền thống thì chúng tôi thấy rất là vinh dự và vui mừng, từ chỗ đó thương hiệu của làng nghề được vang xa, nhiều đơn đặt hàng trong và ngoài nước đã đến với làng nghề từ đó đã tạo việc làm ổn định, từ đó giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa của làng nghề”.
Nhiều mẫu mã mới của làng nghề đệm bàng Phò Trạch xã Phong Bình được người tiêu dùng đón nhận
Cùng với nghề truyền thống điêu khắc, mộc mỹ nghệ Mỹ Xuyên tại xã Phong Hòa là làng nghề đệm bàng Phò Trạch tại xã Phong Bình có bề dày lịch sử hàng trăm năm (Ảnh trên). Trong những năm qua, được sự quan tâm UBND tỉnh, huyện Phong Điền đã thực hiện nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ cùng với chung tay của doanh nghiệp cơ sở sản xuất đã nỗ lực cố gắng nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của làng nghề bằng cách tạo điều kiện cho một số bà con đi tham quan, học hỏi ở các nghề đan ở Nam Bộ để phát triển một số mặt hàng mới sáng tạo. Bên cạnh đó, việc đưa ứng dụng thủ công vào việc thiết kế sản phẩm trang trí được ưa chuộng làm hàng lưu niệm để phục vụ cho thị trường tiêu dùng trong vùng và khách tham quan du lịch, đồng thời tham gia quảng bá tại các kỳ Festival Huế và liên kết doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm của làng nghề đệm bàng. Chính vì thế, ngày nay nghề đệm bàn truyền thống xã Phong Bình đã tạo ra được những dòng sản phẩm mới có tính nghệ thuật cao như khay, đèn ngủ, tấm lót, túi xách... tạo nên sự phong phú, đa dạng hóa sản phẩm đệm bàng góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất và phát triển ổn định nghề đệm Bàng ở địa phương.
Ông Trần Văn Huy, Chủ tịch UBND xã Phong Bình cho biết, trước đây làng nghề đệm bàng Phò Trạch gặp rất nhiều khó khăn, tuy nhiên được sự hỗ trợ của UBND huyện và các sở, ban ngành và Công ty Huế Việt, cuối năm 2019, UBND xã đã khai trương và đưa vào hoạt động cơ sở sản xuất làng nghề đệm bàng Phò Trạch, từ đó đã tạo động lực mới cho nghề truyền thống được phát triển và hồi sinh, Công ty Huế Việt đã liên kết với người dân tập trung sản xuất các sản phẩm và đưa ra nhiều mẫu mã mới được người tiêu dùng đón nhận từ đó tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân.
Trưng bày, giới thiểu sản phẩm nước mắm xã Phong Hải
Bên cạnh các làng nghề truyền thống như điêu khắc mộc Mỹ Xuyên, đệm bàng Phò Trạch có việc làm thường xuyên, ổn định, ở huyện Phong Điền vẫn còn rất nhiều nghề khác cũng đang dần hồi sinh. Nghề gia truyền làm nước mắm ở xã Phong Hải cũng đang chuyển mình khi có trăm hộ dân hàng ngày trực tiếp gia công một số công đoạn cho các cơ sở kinh doanh, đem lại thu nhập. Nghề chế biến nước mắm Phong Hải được lưu truyền và phát huy qua nhiều thế hệ, đó là nét văn hóa đặc trưng của miền quê ven biển, dù trải qua bao thăng trầm nhưng bà con luôn duy trì sản xuất nghề nước mắm, tìm tòi và học hỏi cách bảo quản, chế biến, sản xuất ngày càng phù hợp với thị hiếu ẩm thực của người sử dụng. Tuy nhiên việc phát triển nghề này còn có một số khó khăn, các sản phẩm nước mắm tại địa phương được tiêu thụ chủ yếu tại các chợ trên địa bàn huyện, thời gian gần đây nghề này hoạt động còn cầm chừng với lý do lao động tham gia ngày càng ít và đặc biệt là từ khi bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển đến nay vẫn chưa có cơ sở nào vực dậy để cải tiến vấn đề sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Trước tình hình đó, UBND xã Phong Hải đã kêu gọi tập trung các cơ sở sản xuất nước mắm ra đầu tư sản xuất ở điểm tiểu thủ công nghiệp, thiết kế mẫu mã chai mới mang thương hiệu chung là nước mắm Phong Hải; tiếp tục tìm kiếm ứng dụng công nghệ mới cải tiến khâu sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm đảm, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Nghiên cứu các tiêu chí liên quan để ký gửi sản phẩm ở các quán cơm, siêu thị và hướng đến phục vụ xuất khẩu.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền Hồ Đôn cho biết: Để khôi phục, phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và các làng nghề truyền thống, trong những qua UBND huyện Phong Điền đã thực hiện quy hoạch xây dựng các cụm công nghiệp làng nghề; ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ khôi phục các làng nghề truyền thống, hỗ trợ đào tạo, nâng cao chất lượng lao động, tìm hướng đi mới cho các làng nghề truyền thống. Bên cạnh đó, UBND huyện Phong Điền cũng kêu gọi các doanh nghiệp tham gia phát triển sản xuất, bao tiêu sản phẩm, đồng thời phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái gắn với phát triển làng nghề góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn và giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống đặc trưng của từng địa phương. Hiện nay, trên địa bàn huyện Phong Điền đã có 08 nghề, làng nghề được UBND tỉnh công nhận làng nghề truyền thống.
Có thể nói, với sự quan tâm, đầu tư hỗ trợ của Tỉnh và huyện Phong Điền, việc khôi phục, bảo tồn và phát huy, phát triển nghề và làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện Phong Điền không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội mà còn góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa, tạo việc làm, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân.