Tìm kiếm tin tức
Vĩnh biệt Đại tướng Lê Đức Anh - Người chiến sĩ cách mạng kiên cường của Đảng và dân tộc
Ngày cập nhật 02/05/2019

Nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh, một vị tướng tài ba, nhà lãnh đạo xuất sắc đã vĩnh biệt chúng ta. Đây là một tổn thất to lớn đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Đại tướng Lê Đức Anh sinh ngày 1-12-1920 ở làng Trường Hà, huyện Phú Vang (Thừa Thiên - Huế). Quê gốc của đồng chí ở xứ Truồi, làng Bàn Môn, xã Lộc An, huyện Phú Lộc. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình mấy đời làm ruộng, ở vùng quê bên phá Tam Giang giàu truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm. Trong cảnh nước mất, nhà tan, phải chứng kiến cảnh người dân nô lệ mất nước sống cơ cực dưới gót giày thực dân, phong kiến, từ khi còn trẻ, đồng chí Lê Đức Anh đã tích cực tham gia hoạt động trong Mặt trận Dân chủ huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế; tổ chức và phụ trách các nghiệp đoàn cao-su ở Lộc Ninh. Tháng 5-1938, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam). Đồng chí Lê Đức Anh đã có công lao lớn trong cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945. Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, đồng chí tham gia Quân đội và bắt đầu cuộc đời binh nghiệp đầy gian khổ và oanh liệt.
 
Trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược đã tôi luyện ý chí, tài năng, giúp đồng chí không ngừng trưởng thành, có những đóng góp quan trọng trên các cương vị được Đảng, Nhà nước và Quân đội giao phó. Đồng chí đã trực tiếp tham gia chỉ huy nhiều chiến dịch lớn, như: Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968; Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử tháng 4-1975; chỉ huy chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam; làm nhiệm vụ quốc tế, giúp cách mạng Cam-pu-chia đánh đổ chế độ diệt chủng Khmer đỏ… Từ năm 1976 đến 1980, đồng chí được giao các chức vụ: Tư lệnh Quân khu 9; Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 7, kiêm Chỉ huy trưởng Cơ quan tiền phương của Bộ Quốc phòng ở mặt trận tây nam; được thăng quân hàm Thượng tướng năm 1981. Ngày 29-6-1981, đồng chí được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Quốc phòng kiêm Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Cam-pu-chia. Năm 1982, đồng chí được Ban Chấp hành T.Ư Đảng (khóa V) bầu vào Bộ Chính trị; năm 1984, đồng chí được thăng quân hàm Đại tướng và giữ các trọng trách của Quân đội như: Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam (1986); Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự T.Ư, Bộ trưởng Quốc phòng (1987). Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII (1991), đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành T.Ư và Ban Chấp hành T.Ư đã bầu đồng chí làm Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng. Ngày 23-9-1992, Quốc hội khóa IX đã bầu đồng chí làm Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
 
Đồng chí Đại tướng Lê Đức Anh là nhà lãnh đạo nhà quân sự lớn đã có nhiều cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng. Cuộc đời của đồng chí Lê Đức Anh gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc và Quân đội. Đồng chí từng có mặt trên nhiều chiến trường khó khăn, ác liệt, chỉ huy, trực tiếp chiến đấu trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cũng như trong cuộc chiến tranh bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ ở phía tây nam và giúp cách mạng Cam-pu-chia đánh đổ chế độ diệt chủng Khmer đỏ, để hồi sinh, xây dựng đất nước Cam-pu-chia. Trên cương vị là Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn đầu đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, đồng chí Lê Đức Anh đã cùng tập thể lãnh đạo của Đảng, Nhà nước có nhiều quyết sách quan trọng trong công tác đối nội, đối ngoại, góp phần đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng, kinh tế phát triển, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, quốc phòng, an ninh được giữ vững và củng cố… Hơn 80 năm hoạt động cách mạng, trên các cương vị công tác, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, đồng chí Lê Đức Anh cũng luôn trung thành với Đảng, với Tổ quốc, giữ vững và phát huy phẩm chất đạo đức cách mạng của người đảng viên cộng sản, nỗ lực làm hết sức mình với tư tưởng tiến công, hoàn thành cao nhất nhiệm vụ và trọng trách được giao.
 
Nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh mất đi là một tổn thất to lớn đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Đồng chí đã để lại trong chúng ta hình ảnh khó phai về một nhà chính trị tầm cỡ, nhà quân sự lớn; là người hoạt động thực tiễn sôi nổi, sâu sát, có hiệu quả, nói đi đôi với làm, có tư duy sáng tạo, tinh thần quyết đoán, dám chịu trách nhiệm, một chiến sĩ cách mạng tài trí, kiên cường.
 
Với tất cả tấm lòng tiếc thương vô hạn nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh - Người chiến sĩ cách mạng kiên cường, hết lòng vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, chúng ta nguyện tiếp bước sự nghiệp cách mạng của Đảng ta và nhân dân ta; tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.
Theo http://tuyengiao.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.808.185
Truy cập hiện tại 1.337