Tìm kiếm tin tức
Đồng chí Tố Hữu - nhà hoạt động chính trị năng nổ, người lãnh đạo ưu tú của Đảng trên mặt trận tư tưởng - văn hóa
Ngày cập nhật 08/10/2020

Đồng chí Tố Hữu - nhà hoạt động chính trị năng nổ, người lãnh đạo ưu tú của Đảng trên mặt trận tư tưởng - văn hóa

Cuộc đời hoạt động cách mạng trải qua nhiều lĩnh vực công tác, đặc biệt trên lĩnh vực công tác tư tưởng - văn hóa, đồng chí Tố Hữu đã luôn thể hiện phẩm chất cao quý là nhà hoạt động chính trị năng nổ, người lãnh đạo ưu tú trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng.
Đồng chí Tố Hữu. Ảnh: Internet

>> Đồng chí Tố Hữu - người chiến sĩ cộng sản kiên trung của cách mạng Việt Nam

>> Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Tố Hữu (4/10/1920 - 4/10/2020): Khái lược tiểu sử và quá trình hoạt động cách mạng

Những năm tháng ở chiến khu Việt Bắc, được giao phụ trách vận động văn hóa kháng chiến, lĩnh vực tuyên truyền và văn nghệ, đồng chí Tố Hữu đã hòa cùng công cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc, truyền đạt các nghị quyết của Trung ương, động viên đội ngũ cán bộ tuyên huấn và văn nghệ sĩ sẵn sàng xông pha nơi chiến trường với niềm tin lạc quan mãnh liệt vào thắng lợi. Trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, nhiệt huyết của Đồng chí đã lan tỏa, khích lệ các cán bộ tuyên huấn, văn hóa - văn nghệ bám sát các công trường, nông trường, nhà máy hầm mỏ, ruộng đồng, trường học, đơn vị quân đội… để tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, phản ánh và biểu dương người tốt việc tốt, các tấm gương tiêu biểu. “Tuyên truyền điển hình” - một phương pháp tuyên truyền rất hiệu quả là sáng tạo được Đồng chí quan tâm chỉ đạo sâu sát trong những năm tháng kháng chiến, cũng như trong công cuộc xây dựng đất nước phồn vinh theo con đường xã hội chủ nghĩa.

Là người lãnh đạo ưu tú trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, đồng chí Tố Hữu luôn thể hiện tầm nhìn chiến lược trong việc chuẩn bị về tổ chức bộ máy, cán bộ và nội dung, phương thức công tác tư tưởng của Đảng. Cuối những năm 60, đầu những năm 70, đồng chí Tố Hữu đề nghị và được tập thể Ban Bí thư Trung ương Đảng chấp nhận mở rộng quy mô đào tạo cán bộ lãnh đạo và cán bộ lý luận, mở thêm Trường Đảng Trung ương tại chức, Trường Nguyễn Ái Quốc miền Nam ở vùng giải phóng miền Nam, hệ đặc biệt cho các cán bộ chuẩn bị làm nhiệm vụ tiếp quản các tỉnh, thành phố miền Nam. Với tinh thần chỉ đạo đó, các trường Đảng tỉnh cũng được củng cố về tổ chức, nội dung, chương trình đào tạo. Việc xây dựng đội ngũ cán bộ nghiên cứu và giảng dạy lý luận, cán bộ tuyên huấn các cấp, cũng như việc nâng cao nhận thức, trình độ lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên luôn được đồng chí Tố Hữu quan tâm đặc biệt. Trước và sau các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc hoặc Hội nghị Trung ương, đồng chí Tố Hữu thường chủ động, đi trước truyền đạt nội dung, tinh thần các văn kiện, giúp các cơ quan Tuyên huấn, báo chí, trường Đảng sớm có thông tin, tài liệu phổ biến, tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết của Đảng đến với cán bộ, đảng viên và Nhân dân một cách nhanh nhất.

Đồng chí Tố Hữu là tấm gương mẫu mực thực hiện xuất sắc quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Đồng chí không chỉ truyền đạt đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng đến với đội ngũ văn nghệ sĩ, với đông đảo cán bộ, đảng viên, Nhân dân, mà còn là người lính xung kích thực hiện thắng lợi đường lối ấy, góp phần xây dựng đời sống tinh thần ngày càng phong phú và lành mạnh. Trong quá trình xây dựng đội ngũ làm công tác tư tưởng - văn hoá, đồng chí Tố Hữu đã trực tiếp góp phần động viên, tập hợp, tổ chức và phát triển đoàn văn nghệ từ Bắc vào Nam, những tài năng của Nhân dân, những chiến sĩ trung kiên đó đã làm nên một nền văn hoá - văn nghệ thời đại Hồ Chí Minh bất tử, các giá trị đó còn phát huy tác dụng đến hôm nay và mãi mãi về sau.

Những tác phẩm của Đồng chí: Tổ chức cơ sở Đảng và nhiệm vụ, quyền hạn của đảng viên (1968), Tăng cường năng lực lãnh đạo của các huyện ủy (1968), Nâng cao chất lượng đảng viên…(1971), Quyết tâm thực hiện tốt cuộc vận động tổ chức lại sản xuất và cải tiến quản lý nông nghiệp… (1976), Đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt, học tốt theo gương các điển hình tiên tiến (1978), Công tác giáo dục và sự nghiệp bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau (1980), Nắm vững đường lối, giải quyết sáng tạo các nhiệm vụ kinh tế (1985)… giúp cán bộ, đảng viên và Nhân dân hiểu sâu sắc, đầy đủ hơn các quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trên từng lĩnh vực đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng đảng qua các thời kỳ cách mạng.

Trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, cả trong chiến tranh và thời bình, đồng chí Tố Hữu nổi lên như một vị tướng cầm quân, vừa như một người lính xung trận. Chính vì vậy, ngay cả khi không giữ cương vị lãnh đạo trực tiếp, Bộ Chính trị Trung ương Đảng vẫn tín nhiệm, phân công Đồng chí phụ trách công tác tư tưởng - văn hóa. Từ năm 1991, Đồng chí tiếp tục được mời tham gia nghiên cứu, tổng kết một số vấn đề tư tưởng - văn hóa, khoa học, giáo dục. Với tầm cao trí tuệ, sự xả thân cho lý tưởng cách mạng, đồng chí Tố Hữu đã trở thành một nhà lãnh đạo tài năng trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng.

Không chỉ trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng, với cương vị là một trong những người lãnh đạo chủ chốt của Chính phủ trong giai đoạn đầu chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế - xã hội, đồng chí Tố Hữu đã có những đóng góp vào việc hình thành nhiều chủ trương, chính sách đổi mới kinh tế quan trọng do Đảng ta khởi xướng từ Đại hội VI.

Ban Tuyên giáo Trung ương

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.823.233
Truy cập hiện tại 54